(GLO)- Với dã tâm hủy diệt thể xác và tinh thần của những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, kẻ thù đã không gớm tay sử dụng những hình thức tra tấn hết sức dã man, tàn độc tưởng chỉ có ở thời trung cổ.
Thế nhưng, trong cuộc đối đầu tưởng như không cân sức giữa một bên là ý chí cách mạng với một bên là súng đạn, gậy gộc ấy, những người tù Cộng sản Việt Nam không những không bị khuất phục mà trái lại tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của họ còn khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Cuối năm 1966, đầu năm 1967, nhằm đối phó với phong trào cách mạng đang lên ở miền Nam, Mỹ-Ngụy chủ trương bắt tất cả những người mà chúng có thể bắt được ở vùng giải phóng hoặc vùng tranh chấp, gắn bừa cho hai chữ “Việt Cộng” rồi tống vào các trại giam giữ. Để phục vụ cho mưu đồ đó, ngoài việc xây dựng ở mỗi vùng chiến thuật một trại giam tù binh Cộng sản, Mỹ-Ngụy đã tiến hành xây dựng Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam trên đảo Phú Quốc.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thanh Phương (người chống nạng) về dự lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng trở về. Ảnh: T.D |
Xây dựng trại giam này, kẻ thù tin rằng, với vị trí cách biệt với đất liền, chúng sẽ hạn chế được những cuộc đấu tranh của tù binh, đồng thời sẽ dễ dàng canh giữ, đàn áp tù binh mà không sợ dư luận. Cũng bởi âm mưu thâm độc đó, trong suốt hơn 6 năm tồn tại của Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc (từ năm 1967 đến 1973) kẻ thù đã không gớm tay hủy diệt thể xác và tinh thần của những người tù bằng đủ các hình thức tra tấn hết sức dã man, tàn bạo.
“Địa ngục trần gian”
Bốn mươi năm đã trôi qua song ký ức về những ngày tháng bị giam cầm tại Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc (gọi tắt là Trại giam Phú Quốc) dường như vẫn không hề phai mờ trong tâm trí ông Trương Ngọc Sơn (hiện ở tại thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Tháng 6-1967, trong một trận chống càn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, ông Sơn-khi ấy là Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn Sao Vàng-bị thương và rơi vào tay giặc Mỹ.
Sau khi chữa trị cho ông lành vết thương, kẻ thù đã đưa ông hết vào khám Chí Hòa rồi lại ra trại Non Nước, dùng đủ cực hình tra tấn nhằm khai thác thông tin về đơn vị và địa bàn đóng quân của đơn vị ông nhưng bất thành. Vì thế, sau Tết Mậu Thân 1968, chúng đưa ông lên máy bay cùng với gần 200 tù binh khác ra giam giữ tại Trại giam Phú Quốc.
Vừa bước xuống máy bay, ông Sơn và các bạn tù đã bị tên Trung úy Hiển (một trong những cai tù khét tiếng tàn ác ở Trại giam Phú Quốc) và bọn quân cảnh ác ôn phủ đầu bằng một trận mưa roi củ mây vào ngực. “Nhiều người, trong đó có tôi bị đánh đến hộc máu miệng”- ông Sơn nhớ lại. Sau trận đòn “nhập trại” mà tù binh nào từ đất liền ra Phú Quốc cũng phải trải qua ấy, ông Sơn còn nhiều lần được “nếm mùi” tra tấn, hành hạ của kẻ thù.
Ông kể: “Có những đợt anh em tù binh chống không đi lao động, địch vào phòng giam lôi mỗi lần 2-3 người qua phòng giám thị. Ở đó, chúng thi nhau đấm đá và dùng dùi cui đánh đập anh em hết sức tàn bạo. Nhiều người bị đánh đến mức không lết nổi, anh em trong phòng phải sang khiêng về”. Cuối năm 1969, do bị xếp vào thành phần “cứng đầu”, ông Sơn bị đưa sang phân khu biệt giam B2. Tại đây, nghi ngờ ông Sơn nằm trong tổ chức Đảng, địch nhiều lần lôi ra đánh đập nhằm khai thác.
Khi không “moi” được thông tin gì, chúng đem ông nhốt vào chuồng cọp Catso một tuần. Khác với chuồng cọp kẽm gai, chuồng cọp Catso làm bằng sắt tấm bịt kín, có hình dáng giống chiếc container. “Trong Catso, ngày thì nóng như thiêu như đốt, đêm lại lạnh cắt da, cắt thịt. Đã thế lại còn bị địch bỏ đói, bỏ khát nên người tù rất nhanh kiệt sức. Sợ nhất là mỗi khi đám quân cảnh đi qua, chúng dùng vồ, báng súng hoặc ném đá vào thành Catso. Những lúc ấy, ngồi bên trong có cảm giác như vừa bị sét đánh. Nhiều anh em sau khi bị giam ở Catso về đã bị điếc, bị mờ mắt”-ông Sơn nói.
Giống như ông Trương Ngọc Sơn, trong hơn 5 năm bị giam cầm tại Trại giam Phú Quốc, ông Trần Văn Thu (hiện sống tại tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng đã nhiều lần nếm trải những ngón đòn tra tấn hết sức dã man của kẻ thù. Ông tâm sự: “Ở nhà tù Phú Quốc, chuyện bị đánh diễn ra như cơm bữa”. Bất cứ lúc nào người tù cũng có thể bị bọn giám thị, quân cảnh đánh đập. Khi vui chúng cũng đánh. Khi buồn chúng cũng đánh. Thậm chí, với tên Thượng sĩ nhất Nhu thì việc đánh đập tù binh được xem là một thú tiêu khiển hàng ngày. Hắn thường bảo với tù binh: “Ngày nào không đánh tụi bay là tao ăn không ngon cơm”.
Trong một lần tham gia đấu tranh tuyệt thực, ông Thu đã bị đám quân cảnh bắt lên phòng tên Nhu. Tại đây, sau khi tra khảo ông Thu, tên Nhu bắt ông há miệng rồi dùng gậy đục gãy một chiếc răng của ông. Lần khác, khi ông Thu tham gia vượt ngục và bị bắt lại, ông đã bị tên Trung úy Hiển và đám quân cảnh đánh đến bất tỉnh, máu me đầm đìa.
Đoàn Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai tham quan khu di tích. Ảnh: T.D |
Theo tổng kết của những cựu tù binh Phú Quốc, tại Trại giam Phú Quốc, kẻ địch đã sử dụng trên 40 hình thức tra tấn tù binh, trong đó có những hình thức hết sức man rợ tưởng chỉ có ở thời trung cổ như: lộn vỉ sắt, đục răng, đục xương bánh chè, lấy móng tay móng chân, đóng đinh vào người, nướng sắt đỏ đâm xuyên bắp chuối, nướng người, luộc người, đốt miệng và bộ hạ, chôn sống…
Bên cạnh đó, trong nhiều lần tù binh đấu tranh, địch đã điên cuồng xả súng vào buồng giam tàn sát người tù. Với những hình thức tra tấn dã man, tàn bạo, giết người không gớm tay của địch nên chỉ trong hơn 5 năm tồn tại, trên 4 ngàn tù binh Phú Quốc đã bị sát hại. Ngoài ra, hàng vạn tù binh khác cũng đã phải mang thương tích, thậm chí trở thành tàn phế.
Tượng đài bất tử
Sống giữa nanh vuốt kìm kẹp hà khắc của kẻ thù, trong tay không hề có một tấc sắt và lúc nào cũng phải đối mặt với cái chết nhưng suốt hơn 5 năm tồn tại của Trại giam Phú Quốc, không lúc nào những người tù Cộng sản không giương cao ngọn cờ đấu tranh chống lại những âm mưu thâm hiểm và sự đè nén, áp bức của địch. Nhiều tấm gương đã được truyền tụng như những biểu tượng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của tù binh Cộng sản ở Trại giam Phú Quốc, đó là các anh Nguyễn Văn Ni, Trần Thanh Phương, Võ Ngọc Đảnh…
Cuối năm 1969, sau khi anh em tù binh ở phân khu B2 giành thắng lợi trong việc đánh đuổi tên Trung sĩ giám thị trưởng ra khỏi phân khu, anh Nguyễn Văn Ni (tức Bảy Ni, Bí thư Đảng ủy phân khu) bị địch bắt đi tra tấn. Trước đòn roi hung bạo của kẻ thù, trước sau, anh Bảy Ni không hé răng cung khai một lời. Tức tối, địch lấy cây sắt nung đỏ rồi đâm qua bắp chuối chân anh. Mỗi lần bị địch đâm là một lần anh ngất xỉu.
Nhưng khi tỉnh lại, anh vẫn không hề run sợ. Trái lại anh còn mắng chúng là bọn bán nước, giết hại nhân dân. Cùng với đó là những tiếng hô vang: “Đả đảo Mỹ-Thiệu. Hồ Chí Minh muôn năm”. Nghe tiếng anh Bảy Ni mắng chửi, tên Thiếu úy Quân cảnh Chu Quốc Minh đã lấy đục đục xương bánh chè hai đầu gối của anh. Phải đến khi thấy anh hoàn toàn kiệt sức, bọn chúng mới đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện. Nhưng do vết thương quá nặng, hai ngày sau, anh Bảy Ni đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi chết, người đảng viên kiên trung này còn lấy sức hô khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ và tay sai. Hồ Chủ tịch muôn năm”.
Nếu như anh Bảy Ni là tấm gương thà chết không chịu khuất phục đòn roi kẻ thù thì anh Trần Thanh Phương, Võ Ngọc Đảnh lại tiêu biểu cho tinh thần hiên ngang, bất khuất trước tòa án địch. Sau khi ra tay tiêu diệt tên trật tự ác ôn Lê Văn Ba, năm 1971, anh Phương cùng các anh Trần Văn Minh, Trần Văn Quang bị địch đưa ra Tòa án Quân sự vùng 4 chiến thuật ở Cần Thơ để xét xử.
Tại phiên tòa, các anh đã cực lực lên án những hành động đánh đập, giam cầm dã man của quân cảnh với tù binh. Khi tên chánh án tuyên án thì anh Phương cười ngạo nghễ nói: “Mặc kệ. Chúng tôi chỉ ở tù một lúc, phần còn lại dành cho các ông”. Cũng vẫn sự hiên ngang, bất khuất ấy, khi bị tòa án tuyên 20 năm tù vì tội giết một tên chỉ điểm trong nhà giam, anh Võ Ngọc Đảnh đã cười, nói: “Liệu chế độ các ông có tồn tại được 20 năm không mà kêu án tù tôi 20 năm?”.
Không chỉ các anh Nguyễn Văn Ni, Trần Thanh Phương, Võ Ngọc Đảnh, mỗi người trong số hơn 40 ngàn tù binh bị giam cầm tại Trại giam Phú Quốc, kể cả những người đã ngã xuống (ngoại trừ một số ít những người đã không chịu nổi đòn roi của kẻ thù phải rời bỏ hàng ngũ, trở thành những kẻ phản bội) đều xứng đáng là một tiểu tượng đài biểu trưng cho ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ Cộng sản Việt Nam.
Họ đã hợp cùng nhau để biến “địa ngục trần gian” Phú Quốc trở thành một tượng đài bất tử như đôi câu đối một nhà thơ đã viết tặng: “Bất khuất giữa Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc chết mà bất tử/Kiên cường trong địa ngục bộ đội giải phóng miền Nam thác vẫn trường tồn”.
Tiến Dũng