Kỳ 1: Lời kể của những chiến sĩ Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Gần 60 năm về trước, ngày 24-6-1954, trên đường 19, Trung đoàn 96 đã tiêu diệt hoàn toàn Binh đoàn Cơ động 100 (GM 100)-lực lượng tinh nhuệ nhất của quân xâm lược Pháp đang rút chạy khỏi An Khê. Đây là trận giao thông chiến lớn nhất trong suốt chiều dài kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, là trận đánh mẫu mực về sự mưu trí, dũng cảm, là điển hình của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, nhưng đến nay vẫn chưa có một tổng kết thấu đáo; những công trình đối với chiến thắng này còn mờ nhạt và chưa xứng với tầm vóc của một chiến thắng như một huyền thoại.

Sau khi đăng loạt bài của tác giả Văn Công Hùng và Bích Hà đề cập một số vấn đề về Di tích lịch sử chiến thắng Đak Pơ, Báo Gia Lai nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ muốn được có thêm thông tin về chiến công lẫy lừng ấy. Về nội dung này, Báo Gia Lai đăng tiếp chùm bài Chiến thắng huyền thoại Đak Pơ: Vĩ thanh và khát vọng.

Thắp hương tưởng niệm đồng đội. Ảnh: Q.N
Thắp hương tưởng niệm đồng đội. Ảnh: Q.N

Chặn đứng một binh đoàn tinh nhuệ

Chúng tôi vô cùng may mắn khi gặp được những người chiến sĩ Đak Pơ năm xưa-những người trực tiếp tham gia trận phục kích trên đoạn đường cầu Đak Pơ hiểm trở gần 60 năm trước. Đó là ông Đỗ Văn An và ông Đặng Công Quảng. Theo chân những người lính thăm lại chiến trường xưa trong một ngày đầu năm lất phất mưa và se sắt lạnh, chúng tôi càng thêm tự hào về chiến công oanh liệt vào bậc nhất ở miền Nam trong thời kỳ chống Pháp-trận-đánh-cuối-cùng mang tên Đak Pơ.

Đứng ngay trên mặt đường đoạn lưng chừng dốc Đói (thuộc địa phận xã Đak Pơ, huyện Đak Pơ-N.V), ông Đỗ Văn An (hiện thường trú tại 7/15, đường Lương Thạnh, TP. Pleiku)-một trong những chiến sĩ của Tiểu đoàn 40 nhận lệnh ôm khẩu ĐKZ nã thẳng vào chiếc xe tăng đầu tiên của địch nói với chúng tôi với giọng đầy hào sảng: Bây giờ ngẫm lại, chúng tôi càng hiểu và cảm phục hơn sự táo bạo của đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu hồi ấy khi quyết định chặn đánh cả đoàn xe quân sự hiện đại vào loại bậc nhất lúc bấy giờ. Tôi lúc đó là chiến sĩ của Tiểu đoàn 40-Tiểu đoàn có nhiệm vụ chặn ngay chiếc xe đi đầu, không cho một chiếc nào lọt khỏi trận địa. Còn Tiểu đoàn 79 của ông Quảng thì phục kích ngay đoạn địch có ở trước mặt, tìm đánh trúng sở chỉ huy.

Theo lời kể của ông An thì đơn vị ông nhận được lệnh xuất kích lúc 12 giờ 30 phút ngày 24-6-1954. Lúc này, cuộc rút chạy của GM 100 vẫn đang rầm rộ, ồn ào. Càng đến gần cuối Đak Pơ, đường càng hẹp, bọn địch càng dồn ép, thúc nhau vượt nhanh, xe dồn lên, người bám sát nhưng kẻ địch không thể ngờ rằng chúng đã nằm trong trận địa phục kích.

“Xác định đây là trận đánh lớn, chúng tôi ai nấy đều nóng lòng chờ lệnh. Khi bộ phận tiền vệ của Tiểu đoàn 520 ngụy vượt qua cầu Đak Pơ-nơi Đại đội 68 làm nhiệm vụ chặn đầu cũng là lúc đồng chí Trung đoàn trưởng ra lệnh nổ súng-ông An hào hứng kể-Cùng với tiếng súng của bộ phận chặn đầu, cối 82, ĐKZ của các đơn vị cũng khai hỏa, nhằm thẳng vào các cụm xe, cụm địch đang xô đẩy nhau dưới mặt đường mà bắn. Tôi trong nhóm 4 người được lệnh tiêu diệt xe công binh và xe tăng đi đầu. Khi xe vừa trườn tới, 4 khẩu ĐKZ của chúng tôi đồng loạt nổ khiến chiếc xe bị đứt xích, nằm quay ngang chắn lối đi. Trong phút chốc, cả đoàn xe phía sau bị dồn ứ lại, lĩnh gọn những làn đạn cấp tập của ta. Lúc này, Đại đội 3 và hai trung đội của Đại đội 68 đã xung phong xuống mặt đường…”.

Ngày báo tử của GM 100

Con đường từ Pleiku đi Đak Pơ hôm nay sao ngắn lạ, khi câu chuyện giữa chúng tôi mỗi lúc một lắng sâu. Ngồi nghe người đồng đội năm xưa hào hứng kể chuyện, ông Đặng Công Quảng (hiện thường trú tại tổ 11, phường Hội Phú, TP. Pleiku) lâu lâu lại góp chuyện trong tiếng cười vang. Người chiến sĩ của Tiểu đoàn 79-tiểu đoàn nhận lệnh chia thành nhiều mũi, có nhiệm vụ đánh thọc sườn, chặn giữa đoàn vận chuyển địch, bản thân nhận nhiệm vụ đánh địch tại cứ điểm Mũi Nhung cách đây 60 năm chắc chắn có nhiều điều muốn nói.

Phía xa đó là cứ điểm Mũi Nhung. Ảnh: Q.N
Phía xa đó là cứ điểm Mũi Nhung. Ảnh: Q.N

Kể lại chuyện GM 100 sa lầy, tan rã và thua một cách nhanh chóng ngay tại đoạn đánh của đơn vị mình, giọng ông Quảng đầy tự hào: “Nhận lệnh phát hỏa, chúng tôi vừa xuất kích là đã đánh trúng ngay tiểu đoàn đi đầu của GM 100, trong đó có cả sở chỉ huy của binh đoàn. Dù địch chống cự quyết liệt nhưng anh em chúng tôi vẫn bám sát, theo từng khu vực chia nhỏ chúng để tiêu diệt. Lúc này, một, hai chiếc xe tăng địch đã bốc cháy, việc này càng khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn đơn vị. Đến khoảng gần chiều 24-6, trinh sát báo về là ta đã bắt được tên chỉ huy bị thương đang cố lẩn trốn, toàn bộ quân địch lọt vào trận địa phục kích đã bị tiêu diệt hoặc chạy tán loạn, xe tăng, thiết giáp, xe kéo pháo cháy ngổn ngang”.

Qua lời kể của ông Quảng, chúng tôi cũng đã kịp mường tượng thấy hình ảnh người chiến sĩ tuổi vừa đôi mươi Đặng Công Quảng ngày nào, dẻo dai, kiên cường bám trụ, tay kẹp khẩu trung liên hiên ngang xả hết 2 thùng đạn vào quân thù rồi xông lên đánh giáp lá cà. Ông Quảng kể tiếp, sau khi đánh tan đoàn địch rút chạy, đơn vị ông tiếp tục giữ vững trận địa, củng cố công sự ở các mỏm đồi đang chiếm lĩnh, hình thành các trận địa phòng ngự đồng thời tổ chức đánh bại các đợt phản kích của địch, sẵn sàng truy kích địch ngay trong đêm, cố diệt thêm nhiều sinh lực địch. Vì thế, từ cuối buổi chiều 24-6 trở đi, đơn vị ông đã tổ chức nhiều đợt truy kích địch, cho đến trưa 25-6-1954 thì dừng truy kích, tiếp tục nhận lệnh bao vây đánh địch ở cứ điểm Cheo Reo.

Sau những dòng hồi tưởng hào sảng về chiến tích năm nào, không ai bảo ai, cả hai ông An và Quảng đều bất ngờ dừng lại, hết trầm tư nhìn lên tấm bia tưởng niệm lại phóng tầm mắt về phía dốc Đói và Mũi Nhung-giờ đây đang trải một màu xanh bời bời sự sống. Sau một đỗi, hai ông mời chúng tôi về lại khu vực trạm phẫu thuật xưa-vị trí nay đã được xác định là nơi chôn cất 147 liệt sĩ, chỗ gần hồ Ktung, thuộc xã An Thành, huyện Đak Pơ bây giờ. Dợm bước chân theo sát hai ông, nhìn lên những mái đầu tóc đã pha sương cặm cụi bước chậm chạp, lòng chúng tôi vương những bùi ngùi…

Quốc Ninh-Thu Huế

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.