Kỳ 1: Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chiến lược phát triển kinh tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai đã xác định 3 trụ cột quan trọng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh công nghiệp chế biến và phát triển du lịch. Đây là định hướng xây dựng tỉnh trở thành vùng động lực của Tây Nguyên. 
Đất đai rộng, khí hậu ôn hòa chính là điều kiện thuận lợi để nông-lâm nghiệp phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, đặc biệt là chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Sức bật từ tái cơ cấu
Từ năm 2017 đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều chương trình, kế hoạch giúp người dân từng bước chuyển đổi từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Theo đó, lĩnh vực trồng trọt đã có bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cây ăn quả… Đặc biệt, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. 
Bà Vũ Thị Lan-quyền Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai-cho biết: Trong những năm gần đây, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp để tái cơ cấu sản xuất phù hợp, từ công nghệ sản xuất, nhân sự đến vùng nguyên liệu.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lợi nhuận của người trồng mía bằng các hoạt động cụ thể để đồng hành triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật và chính sách hỗ trợ để người trồng mía liên kết hợp thửa, cơ giới hóa, cải tạo đất bằng cày ngầm, bón phân hữu cơ vi sinh, đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm để nâng cao năng suất. Mục tiêu của tái cơ cấu là phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp”-bà Lan nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thì cho hay: “Những năm gần đây, huyện tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng cách chuyển đổi những diện tích hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả. Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện xây dựng các chuỗi giá trị liên kết cây ăn quả giữa nông dân và doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Tứ, huyện tiếp tục nhân rộng các chuỗi liên kết đã phát huy hiệu quả ở các xã, thị trấn; đồng thời mở rộng diện tích đối với cây dược liệu, nấm bào ngư, sầu riêng, bơ VietGAP; hình thành các vùng chuyên canh có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và mã vùng để hướng đến mục tiêu xuất khẩu… nhằm nâng cao hiệu quả từ các loại cây trồng và thu nhập của người dân.
Thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân cũng đã chủ động chuyển sang sản xuất cây trồng có chứng nhận VietGAP để nâng cao giá trị kinh tế. Ông Nguyễn Duy Đô (làng Kop, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho biết: Nhận thấy vùng đất đai Kon Gang có thể phát triển các loại cây có múi, năm 2014, gia đình đã trồng hơn 1 ha cam Đường Canh và cam Vinh theo hướng VietGAP.
“Nhờ đó, giá bán đạt 30 ngàn đồng/kg, mỗi năm thu nhập khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 250 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi cùng 12 hộ khác đã thành lập tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả có múi trên diện tích 9 ha”-ông Đô phấn khởi cho biết. 
Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp đã thu hút được 122 dự án đầu tư nông-lâm ngư nghiệp và chế biến nông-lâm-thủy sản với tổng vốn đầu tư 11.126 tỷ đồng, đạt 203,33% kế hoạch.

Theo thống kê, đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 16 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 3.434,4 ha, tập trung chủ yếu vào những cây trồng chủ lực như: bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa… và phần lớn do các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 21.310 ha cây trồng của nông dân ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; 6.690,5 ha của doanh nghiệp và 129,9 ha cây trồng cạn được Nhà nước đầu tư ứng dụng tưới tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tổng diện tích cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, 4C, Organic và hữu cơ lên đến 42.802 ha, trong đó có 34.077,8 ha cà phê, 586 ha hồ tiêu, 761 ha chè, 7.062 ha cây ăn quả, 315,8 ha rau.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh phát triển trong những năm tới.

Dưa lưới trồng trong nhà kính của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp
Dưa lưới trồng trong nhà kính của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: “Những năm qua, huyện tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bước đầu đã xây dựng một số mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi năng suất cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây dược liệu, cây ăn quả… Huyện cũng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi trường”. 
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Nguyễn Minh Tứ thông tin: “Chư Pưh có khoảng 30 dự án đăng ký ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, trong đó có 5 dự án đã đi vào hoạt động. Hiện tại có 2 dự án chăn nuôi heo công nghệ cao đang chuẩn bị đi vào hoạt động vào cuối tháng 10 năm nay. Ngoài ra, một số đơn vị cũng đang khảo sát xây dựng 3 mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao khác trong thời gian tới. Đây là tín hiệu lạc quan góp phần mang lại sự ổn định trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện trong những năm tới”.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Ngành nông nghiệp là một trong những trụ cột của nền kinh tế tỉnh. Thời gian tới, ngành tập trung triển khai phát triển theo hướng sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhất là các ngành chủ lực có điều kiện cũng như lợi thế về thị trường để phát triển như: cây ăn quả, dược liệu, lúa chất lượng cao, rau an toàn, chăn nuôi heo, bò…; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch. Tập trung tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh xây dựng các vùng cây trồng, vật nuôi hàng hóa có lợi thế phát triển gắn với chế biến sâu xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, hình thành và đi vào hoạt động các khu, vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 20% trong cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Cũng theo ông Nghĩa, ngành sẽ tập trung phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp, hình thành các trung tâm, viện nghiên cứu giống cây trồng vật nuôi sản xuất giống mới, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành trong những năm tới.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Một phần hệ thống xử lý nước thải Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: Đ.Y

Gia Lai: Cấp giấy phép môi trường cho nhà máy chế biến cao su tại Chư Prông

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép môi trường cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở Nhà máy chế biến Cao su Trung tâm (tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông).

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm