Kỳ 1: Duyên kiếp không rời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ấy là đường Lê Hồng Phong (TP.Pleiku), nó không dài mấy, điểm bắt đầu từ ngã ba Hoàng Văn Thụ. Ngày trước bên số lẻ 01 là nhà của ai đó có cổng ngay gốc cây mận lâu niên trong khung viên của cơ quan Báo Gia Lai bây giờ, còn phía bên kia là khu đất hoang và giờ nó cùng chung số phận với “người đối diện”, chẳng biết tự khi nào đã không còn tồn tại nữa? Con số gắn liền với người sở hữu và giờ đã mất đi, chủ nhân của nó chắc cũng buồn lắm.
 

Một góc đường Lê Hồng Phong ngày nay. Ảnh: Nguyễn Giác
Một góc đường Lê Hồng Phong ngày nay. Ảnh: Nguyễn Giác

Con đường thì không mất, nhưng giờ đã có những thay đổi hơn nhiều. Hồi những ngày sau giải phóng 1975, dù muộn đôi tháng nhưng tôi cũng đã có mặt nơi này từ những ngày xa xôi ấy. Hơn nửa con đường nằm trong khu vực cấm bởi cả hai dãy nhà dọc theo con đường cho dù cũ kỹ thậm chí rách nát nhưng nó là khu vực làm việc của Tỉnh ủy Gia Lai bấy giờ. Con đường gồ ghề, ổ gà ổ vịt chằng chịt, nhỏ hẹp và chênh vênh, mưa nắng, mùa nào cũng đều rất khó khăn khi chúng tôi di chuyển bằng những chiếc xe đạp cũ kỹ, tơi mướp. Anh Phan Đăng Trị-một cán bộ cấp phòng của Văn phòng Tỉnh ủy, gốc xứ Nghệ, khi ấy mới từ đại sứ quán bên New Delhi về, dư dả chút ít, tậu một chiếc xe đạp xịn vào hàng nhất nhì của cơ quan, mỗi lúc buộc phải ra ngoài bằng chiếc xe đó, khi về anh cẩn thận chùi rửa đâu vào đấy và treo lên ngay trong căn phòng ngủ, mấy anh em tinh nghịch bảo anh làm vậy là sợ muỗi cắn… xe, bởi có lúc anh còn phủ trên chiếc xe tấm vải màn chắn bụi.

Đường Lê Hồng Phong ngày ấy bị chặn một nửa, sau đấy là đoạn giữa, quanh khu vực có Công an canh gác ngày đêm, nhiều khi đến nỗi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhớ sau này, một hôm anh bạn Văn Công Hùng-một sinh viên còn “y sinh viên”, đặc trưng thời bao cấp, vừa đến Gia Lai nhận việc chưa được bao lâu và cũng chưa một lần đến vùng cấm này, được nhà văn Trung Trung Đỉnh, khi từ Hà Nội vào nhờ đưa đến Tỉnh ủy tìm gặp tôi, với chiếc xe đạp đã đến thời đáng… đạp, hai người vừa đến cổng, một chiến sĩ Công an xuất hiện, anh Hùng là người đầu tiên mất... lửa, bối rối nói chẳng ra lời khi được bảo xuất trình giấy tờ, nói rõ nguyên nhân, công việc hay tư việc. Thế nhưng không ít người tự hào lắm khi được làm việc trong một không gian như thế. Tôi không phải là người như vậy, muốn và ước gì một ngày kia mình được làm việc trong môi trường khác. Và rồi cái chuyện ước mơ nho nhỏ ấy cũng đến ngày thành hiện thực-tôi đã ra đi… Và sự trở lại sau đó thì mọi chuyện trên con đường này đã có nhiều đổi thay. Cho đến bây giờ, duyên kiếp tôi với con đường như không thể rời. Ngoảnh đi ngoảnh lại chưa kịp đếm thời gian, mà giờ chuyện cũ đã cũ quá. Đám nhỏ con tôi, con của các bạn bè, lối phố (mà tôi quen gọi như ở quê là lối xóm), thoắt cái chúng đã làm cha làm mẹ. Nhiều đứa đã trưởng thành theo nghĩa “hơn cha là nhà có phúc”.

Những ngày mưa triền miên bởi ảnh hưởng bão ngoài khơi, vì mùa mưa Tây Nguyên là thế. Con đường như vắng hẳn vào những giờ mưa nặng hạt. Theo mưa là những vạt sương mù hay khói đá la đà một màu đùng đục, phảng phất mùi âm ẩm, con đường vốn buồn như buồn thêm, thảng hoặc mới có người, xe. Những hàng cây xanh, loại cây dành cho đường phố giờ đã thay cho những hàng chuối, hàng dừa và vỉa hè là những đám khoai lang thuở trước. Cái ẩm ướt của những ngày mưa triền miên luôn gợi lại biết bao điều một thời gắn với con đường… Phía bên ngoài vùng cấm, dọc con đường, có những lúc lũ nhỏ bao quanh những gánh hàng rong bên vỉa hè sau những tiếng rao của các bà, các chị, mỗi khi xuất hiện gánh hàng quà vặt nào đó là lúc chúng vui như hội, í ới gọi nhau. Một gói xôi nếp trộn mấy hạt bắp luộc mẹ vừa mua nhỏ xíu thôi mà một cô nhóc mừng vui lẩn vào vạt lang tần mần tẩn mẩn gỡ như từng hạt cho vào miệng mà lấm la lấm lét, chỉ sợ bạn xin. Một củ khoai nướng còn nóng hôi hổi, một cô bé xinh xinh thương cu bạn không có mẹ ở nhà mà bẻ ra một chút chia cho, thế mà cả hai như rưng rưng bẽn lẽn.

Rồi có những đêm về, mấy chàng háu hương men lớp chúng tôi sau một chầu với mấy thứ xương xẩu còn lại từ một ông chủ quán phở người Ấn trên đường Hùng Vương để dành với mấy chai mắt mèo có xuất xứ từ Nhà máy đường Tân Cảnh, thế mà cũng rôm rả cho đến khi nhoài người thức tỉnh bởi những tiếng rao giọng rặt ri xứ Nẫu để rồi lại vây quanh cái đèn hột vịt leo lét với cái thúng ủ kín bằng bao bố mà bốc hơi nghi ngút dậy mùi trứng lộn luộc. Cuộc liên hoan trứng dành cho mỗi người theo tiêu chuẩn là… một, khi mà mắt còn dõi theo cô bán trứng với tiếng rao vẳng dần và mất hút trong mờ mịt sương khuya và vàng hoe vì không đủ độ sáng của mấy bóng đèn đường tròn trịa lắt lẻo theo cơn gió nhẹ, thì miệng đầy khoang nước… bọt, như chực chờ, mong mỏi. Rồi những cái tết Âm lần lượt đến, lần lượt qua, để lại trong lòng mọi người những nỗi nhớ của giao thừa năm nảo quây quần quanh nồi bánh tét, bánh chưng kê ngay bên vệ đường mà đốt, trong cái se lạnh những cốc “Tân Cảnh” làm ấm lòng cả hội và râm ran bao chuyện nhà chuyện xứ, chuyện tình, rồi cả chuyện chiến đấu thuở nào… cho đến khi đâu đó nhà ai bắt đầu châm ngòi cho dây pháo tép có xuất xứ từ cửa hàng phân phối.

Con đường gồ ghề, ổ gà ổ vịt, với những luống những vạt rau lang rau muống nép mình dưới những dừa, bơ, chuối... thuở trước cùng với những tiếng rao quà vặt và bầy em nhỏ mỗi sáng mỗi trưa mỗi chiều mỗi tối giờ đã lùi đâu xa lắm vào cổ tích. Còn những người lớp chúng tôi, trên chúng tôi một vài ba giáp thuở ấy giờ bao người đã theo tổ tông trở về với đất; mấy người “ra quân” về với làng, với phố, thành ông bà nội ngoại. Lâu lâu gặp lại bạn xưa cùng phố, một tiếng thở dài thoát ra mà như có gì chặn lại nơi trước yết hầu-“mới đó mà…”. Còn mấy “nhân vật” tôi đã nói đến ở phía trên, anh Trị đã về nghỉ hưu từ năm nào lâu lắm, tôi không còn nhớ rõ và cũng chừng ấy năm tôi không còn tin tức về anh, anh là người vui tính, hòa đồng, dễ gần.

Nhắc đến anh, vợ tôi hay nhớ về chuyện cũ, là hồi bà ấy mới sinh con đầu lòng, thằng nhóc kháu khỉnh, tinh nghịch, anh đặt cho mẹ nó một cái biệt danh nghe ngồ ngộ-mẹ thằng Cò, như một niềm vui được nhân lên, bà ấy có vẻ... tự hào lắm. Nhưng đến khi con bé thứ hai chào đời, anh chọn một cái tên mà tôi cứ ngẫm cười thì bà xã nổi xung-mẹ con Đĩ, sau biết mẹ con Đĩ không thích, anh im lặng như một lời xin lỗi. Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã trở về đời thường với hàm Đại tá và ngay sau đó đảm nhận công việc Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam cho đến bây giờ, người này tôi hay gặp, mỗi năm đôi ba lần; gặp tôi anh như trẻ lại cho dù tóc anh đã không còn sợi đen, mỗi khi trở lại Gia Lai từ Hà Nội, anh như người con của quê đi xa trở về, làng và bạn như những thứ sức mạnh vô hình kéo anh về phía đó. Còn cái ông sinh viên Tổng hợp Huế họ Văn năm nào, giờ đã là người thơ nổi tiếng, đặc biệt giới trẻ là đối tượng thơ anh, là chốn mà anh hướng thơ đến, hơn thế anh đã là ông ngoại. Người ta cho rằng anh là một trong không nhiều Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn có tấm lòng với Tây Nguyên, chăm sóc, bồi dưỡng lớp đàn em, những người viết trẻ, anh còn là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà định kỳ ra hàng tháng...

Ấy vậy mà con đường Lê Hồng Phong, con đường như cặp đôi với tôi giờ tôi vẫn ở đó, tựa như không thể rời, với một thời như đã nói, mời bạn ghé qua, dễ tìm thôi, điểm xuất phát của nó từ con số 01 xưa-ngã ba Hoàng Văn Thụ, xứ Phố núi mù sương ấy thôi mà…

Bích Hà


------------
Kỳ tới: Tình nghĩa không phai

Có thể bạn quan tâm