Krông Pa và giấc mơ đổi đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi về Krông Pa (Gia Lai) đúng vào dịp Nguyên tiêu năm nay. Chuyến xuất hành đầu Xuân Tân Mão cũng lặng lẽ, bình thường như những chuyến đi khác của người làm báo. Qua khỏi đèo Chư Sê thì đã thấy một mùa khô nữa lại về trên từng ngọn cây kẽ lá. Cái nắng buổi trưa đã hầm hập, gắt gỏng khiến không khí như càng cô đặc lại trên các khu rừng khộp chỉ còn trơ ra những xương cây và đá chỏng chơ.
Con đường bên này và bên kia đèo Tô Na đang còn thi công dở dang. Con đường đèo đang được nắn lại theo quy chuẩn mới, hiện đại, an toàn hơn. Cảnh bạt núi, phóng tuyến, mở đường hôm nay trên quốc lộ 25 cho thấy cách làm có vẻ quy mô và cẩn trọng hơn. Người Krông Pa thường nói đùa rằng: Con đường huyết mạch Krông Pa-Pleiku chỉ dài bằng 1/10 con đường Hồ Chí Minh nhưng đi hoài 36 năm qua vẫn chưa tới được.
Công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: Duy Danh
Công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: Duy Danh
Điệp khúc “Đường về Krông Pa vừa xa vừa lắc…” vẫn cứ lặp đi lặp lại như bài ca muôn thuở khiến cho sự chờ đợi và lòng kiên trì của người dân có lúc bị mệt mỏi; bao nhiêu dự định cho “con đường vươn tới tương lai” cứ bị ngắt quãng, ách tắc; các đối tác muốn đến đầu tư tại địa phương nhìn thấy hạ tầng giao thông như vậy đều lắc đầu ngán ngẩm. Rồi đây chắc chắn con đường 25 sẽ được hoàn thành nhưng chất lượng của nó thì còn phải chờ thời gian vì ai cũng hiểu rằng với cách làm đường của Việt Nam lâu nay chẳng thể nào kiểm soát được và thường “tiền mất tật mang”.
Bởi thế, con đường 25 này đã  có lần nâng cấp từ cách đây 5-7 năm cùng với cây cầu Lệ Bắc và cùng với việc chuẩn bị thi công công trình thủy nông Ia Mlah ở Krông Pa. Nhưng than ôi… con đường này mới đưa vào sử dụng chưa qua thời gian bảo hành đã tan hoang, trở về với chính nó thời “lắc lư”!
Nói chuyện con đường thì liên quan đến cái cầu. Ở Krông Pa, chuyện làm cầu cũng trở thành vấn đề mà người dân nơi đây khắc cốt ghi tâm-đó là chiếc cầu Bung bắc qua sông Ba từ thị trấn Phú Túc nối với 5 xã vùng phía Nam. Với hàng vạn dân bên kia sông và hàng ngàn ha hoa màu nhưng chỉ có con đường độc đạo là băng qua sông Ba, mùa nắng nước sông cạn thì còn dùng đò qua lại xoay xở, trao đổi bán mua, còn mùa mưa khi sông trở thành hung thần thì mọi sinh hoạt đều án binh bất động, các làng mạc bên kia sông trở thành ốc đảo.
Cái điệp khúc đò-phà-cầu trên nhánh sông này cứ trở đi trở lại, nay đã là cầu-phà-đò… Khi cái cầu Bung… bung một nhịp xuống sông cách ngày khánh thành chưa được một mùa trăng thì dân trở lại với con đò… bến cũ ngày xưa để… khoan nhặt… mái chèo. Nghĩ cũng chạnh lòng! Bộ đội thuộc Trung đoàn 7-Binh đoàn Tây Nguyên thấy thương dân quá nên cho đội công binh đem phà đến giúp một thời gian; nhưng… qua tháng 3 này đơn vị phải rút quân. Vậy là dân bắt buộc phải đi đò qua sông.
Một số người dân bên kia sông nói nửa đùa nửa thật, mùa mưa năm nay chắc họ cũng phải làm ròng rọc cho học sinh đu dây qua sông đi học như ở Kon Tum cho… “an toàn”, vì nước sông lớn, chảy xiết thì không thể nào chèo đò được. Loay hoay với con đường, cái cầu  bắc qua hai thế kỷ XX-XXI mà đến nay người Krông Pa vẫn như gà mắc tóc, xoay xở trong khó khăn vô vàn nhưng chính họ không thể nào tự làm được.
Giấc mơ đổi đời trên những con đường nơi đây chưa trọn vẹn nhưng người dân Krông Pa cũng đang đặt niềm tin vào công trình thủy lợi Ia Mlah vừa hoàn thành tháng 5-2010 có năng lực tưới cho trên 5.000 ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 vạn dân. Có thể nói đây là cơ sở hạ tầng quan trọng bậc nhất của người dân trong vùng “chảo lửa” này từ trước đến nay, là điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp bền vững của địa phương, giúp người dân vượt qua thách thức của đói nghèo.
Đến nay, các hạng mục công trình đầu mối đã cơ bản hoàn thành. Việc quan trọng bây giờ là phần thi công các loại kênh nội đồng dẫn nước về tận chân ruộng, mảnh vườn để người dân sản xuất và lập nhà máy xử lý nước ngọt để đưa nước sinh hoạt về thị trấn, các buôn làng cho dân sử dụng. Ở đây lại xuất hiện một yếu tố trở ngại từ thực tiễn. Đó là đồng đất trong vùng tưới của thủy lợi Ia Mláh không được bằng phẳng như cánh đồng Ayun Hạ nên việc thiết kế và thi công hệ thống kênh nội đồng hết sức khó khăn. Nếu sử dụng biện pháp san ủi, bóc đi lớp đất cao thì sẽ mất phần đất màu mỡ, không thể canh tác được.
Theo ý kiến của các anh lãnh đạo UBND huyện Krông Pa, khi tiếp xúc với dân thì họ đề nghị: Nếu được Nhà nước hỗ trợ một phần thì những vùng đất có địa hình cao như thế họ sẽ tự xử lý theo cách riêng của mình có thể dẫn thủy nhập điền để  sản xuất hai vụ được. Làm như vậy sẽ đỡ vất vả công sức, đẩy nhanh được tiến độ, lợi ích của nhân dân và Nhà nước vẫn đảm bảo hài hòa. Đơn vị chủ đầu tư cho hạng mục này cần phối hợp với chính quyền địa phương để  chọn ra một giải pháp tối ưu, hợp với lòng dân.
Mới đây, chúng tôi cũng có dịp trao đổi với lãnh đạo Nhà máy Đường Ayun Pa, sắp tới trong chiến lược mở rộng vùng nguyên liệu thì vùng tưới Ia Mlah có thể đưa vào trồng khoảng trên 2.000 ha cây mía. Và với cách đầu tư ban đầu cho nông dân trồng mía và bao tiêu sản phẩm hiện nay của Nhà máy thì chẳng mấy chốc họ sẽ làm giàu trên đồng đất có hệ thống tưới tiêu của mình. Hiện thực về sự đổi đời đang hiện hữu ngay trước mắt, người dân Krông Pa tự họ cần biết làm gì và làm như thế nào để phát huy hết lợi thế của công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư-ước mơ ngàn đời đến nay mới thành sự thật.
Theo số liệu điều tra hộ nghèo (chuẩn mới) thì huyện Krông Pa có đến 54,6% thuộc hộ nghèo. Với con số này, thì đây là huyện được xếp vào một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh. Nghĩ mà… buồn một chút. Nhưng không sao, sự thật vẫn là sự thật. Với chương trình hành động thiết thực và quyết tâm, đồng lòng của tập thể lãnh đạo huyện hiện nay, chúng tôi tin rằng trong vòng 5-10 năm tới nhân dân Krông Pa sẽ đổi thay và hiện tại có những dự án khả thi từng bước đi vào cuộc sống đang biến ước mơ của họ thành hiện thực
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.