Kông Chro- Vùng xa xanh thẳm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai năm tôi mới trở lại huyện vùng xa Kông Chro (Gia Lai). Lần này tôi không đi trên tỉnh lộ 669 như trước mà theo đường Trường Sơn Đông. Có đi trên con đường này mới thấy hết vẻ đẹp kỳ vĩ của một công trình tầm cỡ quốc gia.
Sau khi uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh ở huyện Kbang, đường Đông Trường Sơn vắt ngang qua quốc lộ 19 ở đoạn Đak Pơ rồi tiếp tục xuôi về phía Tây Nam. Con đường mới trải nhựa phẳng lỳ, thênh thang quanh co ôm lấy những ruộng bắp, ruộng mía xanh mướt mát mùa mưa cho ta cảm giác vừa yên bình, vừa no ấm. Những quả đồi nhấp nhô ở phía xa cũng một màu xanh ấy trải dài đến ngút tầm mắt.
 
Về huyện lần này không như lần trước, tôi không còn nghe chuyện xóa đói mà là nghe chuyện làm giàu. Cũng phải thôi, chỉ cần nhìn màu xanh trên suốt dọc đường đã đi qua là cũng có thể hiểu phần nào sự trù phú của những thôn làng Bahnar nơi đây. Mía, mì, dưa hấu… mấy năm nay lên giá, người An Trung, Chư Krey, Kông Yang lại vốn chịu khó, lấy công làm lãi, mỗi vụ thu về hàng chục tấn hỏi sao không giàu.
Ảnh: Thanh Phong
Ảnh: Thanh Phong
Còn nhớ gần hai mươi năm trước các đồng nghiệp của tôi đã từng có bài phản ánh về chuyện người dân vùng xa Kông Chro vay vốn xóa đói giảm nghèo mang tiền về cất trong… ống tre vì không biết làm gì. Bây giờ chuyện đó nghe như chuyện cổ tích bởi người dân Bahnar nơi đây đã biết mang sổ đỏ đến ngân hàng vay vốn sản xuất làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Không phải là xe công nông “đầu ngang, đầu dọc” mà đã xuất hiện nhiều tỷ phú Bahnar sắm xe ô tô đi làm nương, đi làm vườn. Suốt một dọc dài từ ngã ba Đak Pơ vào đến thị trấn huyện lỵ, xuôi về Chơ Loong sang Ia Pa hoặc kể cả đi ngược tỉnh lộ 667 ra thị xã An Khê cũng một màu xanh ấy, màu xanh của lá bắp, lúa non, của đọt mì mơn mởn, cái màu đặc trưng của Tây Nguyên mùa mưa…
Bây giờ ở Kông Chro còn có một màu xanh thẳm nữa, màu của rừng về phía xa. Không như khu vực phía Tây thường chỉ một dạng rừng khộp, rừng Kông Chro đa dạng quần thể sinh vật rừng do vừa có rừng thường xanh, rừng chuyển tiếp và cả rừng khộp. Hầu như đi đâu ta cũng gặp rừng, với tổng diện tích tự nhiên 144.313 ha, trong đó đã có đến 90.725,2 ha đất có rừng với 85.470,9 ha rừng tự nhiên, 5.254,3 ha rừng trồng. Tuy nhiên để rừng luôn xanh đó lại là một công việc không hề đơn giản.
Ông Trần Văn Minh- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kông Chro kể: Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu mùa khô đơn vị đã chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn xuống các xã và thị trấn phối hợp với chính quyền, các đơn vị chủ rừng và các ngành liên quan triển khai công tác phòng-chống cháy rừng mùa khô, đồng thời tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng tham gia quản lý bảo vệ rừng, ký cam kết an toàn lửa rừng tại một số làng, xã trọng điểm. Ở những địa bàn này, Hạt bố trí lực lượng tăng cường công tác tuần tra canh gác lửa rừng 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng. Nhờ vậy hầu như các năm qua vùng rừng Kông Chro không bị cháy lớn, đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay chưa xảy ra cháy rừng.
Giữ màu xanh cho rừng còn là chuyện quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng ở Kông Chro. Trong 9 tháng năm nay, Hạt đã kiểm tra, truy quét và phát hiện lập biên bản 97 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thu gần 150 m3 gỗ các loại và 23 xe mô tô. Tập quán của đồng bào địa phương là canh tác ở khu vực gần rừng, liền rừng nên Hạt Kiểm lâm đã xây dựng và triển khai phương án canh tác nương rẫy thí điểm được các hộ đồng bào dân tộc Bahnar thực hiện bước đầu cho thấy có kết quả khá tốt, các vùng rừng giáp ranh khu vực sản xuất của dân không bị lấn chiếm, chặt đốt. Đây là vấn đề luôn được chính quyền các địa phương ở Tây Nguyên đặc biệt quan tâm bởi tình trạng rừng bị xâm lấn, chặt phá để lấy đất sản xuất vẫn diễn ra thường xuyên mà chưa có biện pháp khắc phục triệt để, do vậy nếu phương án thí điểm giữ rừng ở Kông Chro triển khai thành công đây sẽ là một điển hình để tiếp tục nhân rộng trên toàn địa bàn.
Nhiều vùng rừng tự nhiên ở Gia Lai chỉ còn chiếc áo xanh mỏng manh, lần này về Kông Chro, tôi chợt nhận ra huyện vùng xa này còn một màu xanh nữa, màu xanh do chính những con người nơi đây luôn gìn giữ, bảo vệ để rừng luôn xanh thẳm.
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.