Ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tỉnh Gia Lai - Kon Tum được chia tách thành hai tỉnh là Gia Lai và Kon Tum. Trải qua 31 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, kinh tế-xã hội của tỉnh ta thực sự có nhiều đổi thay.
Tôi đến Kon Tum lập nghiệp vào năm 1996, sau khi tách tỉnh được 5 năm. Bước vào thị xã Kon Tum lúc bấy giờ, tôi thấy một thị xã bình yên, người và xe qua lại thưa thớt, dọc theo nhiều tuyến đường phố với những nhà vườn cây trái sum sê và nhiều tuyến đường còn gồ ghề sỏi đá. Qua tìm hiểu, tôi được biết, khi mới chia tách, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt 88,6 USD/năm, nên đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của tỉnh chưa được đầu tư xây dựng nhiều, trong đó giao thông giữa các huyện với nhau có nơi còn khó khăn, phải đi cả ngày đường mới đến trung tâm. Nhưng với sự lãnh đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự điều hành quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền và sự lao động cần cù, siêng năng, sáng tạo của người dân các dân tộc trong tỉnh, sau 31 năm nhìn lại, đời sống kinh tế-xã hội và bộ mặt của tỉnh từ nông thôn đến thành thị đổi thay diệu kỳ.
Tính đến cuối năm 2021, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 16.051 tỷ đồng (theo giá năm 2020); thu ngân sách nhà nước 3.500 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 47,1 triệu đồng. Và trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù vẫn còn chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng GRDP của tỉnh ước tính tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trưởng trên là rất quan trọng, thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả các giải pháp của tỉnh trong thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 862,288 tỷ đồng, tăng 5,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2.239,115 tỷ đồng, tăng 15,84%; khu vực dịch vụ đạt 3.567,476 tỷ đồng, tăng 7,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 637,672 tỷ đồng, tăng 8,65%. Có thể nói, đây là mức tăng khá cao so với các năm gần đây, thể hiện đầy đủ và đúng xu hướng phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 20/4/2007 của Tỉnh ủy khóa XIII “về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020” đã đạt được những kết quả tích cực. Các vùng kinh tế động lực được hình thành và phát triển góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh. Qua quá trình phát triển, đến nay, điện lưới quốc gia đã đến gần 100% thôn, làng trong tỉnh. Các tuyến quốc lộ như 24, 14C, đường Hồ Chí Minh và giao thông nội vùng đã được đầu tư cơ bản, nên việc đi lại, giao thương giữa các vùng trong và ngoài tỉnh rất thuận lợi, phá được thế ngõ cụt về giao thông và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của người dân.
Hợp tác xã Thanh niên Măng Đen, huyện Kon Plông với nông sản sạch. Ảnh: VH |
Ai đến thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông hôm nay, mới thấy được sự vươn lên vượt bậc của thế mạnh du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh từ vùng đất “ba hồ, bảy thác” này. Theo báo cáo của UBND huyện, khi mới thành lập huyện vào năm 2002, công tác phát triển du lịch của huyện chưa có gì đáng kể, nhưng được sự đầu tư của nhà nước và của tỉnh vào Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, nên vùng kinh tế động lực Kon Plông tạo ra nhiều sản phẩm du lịch gắn với các mặt hàng nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Nhờ đó, đến nay toàn huyện Kon Plông đã có 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 504 phòng, bảo đảm phục vụ khoảng 1.500 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã thu hút được trên 104.000 lượt khách, doanh thu khoảng 35 tỷ đồng.
Vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của tỉnh hôm nay đã đổi thay nhiều. Trung tâm thành phố được mở rộng phát triển theo nhiều hướng. Những con đường giao thông huyết mạch đã được nâng cấp, mở rộng. Những siêu thị buôn bán hàng hóa phong phú với đầy đủ các mặt hàng trong và ngoài nước. Những ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập cho các thế hệ tương lai. Những bệnh viện công và tư được xã hội hóa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến đầu năm nay, toàn tỉnh chỉ còn 21.989 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,32% và 9.091 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 6,33% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với 31 năm về trước thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trên 50%. Kết quả trên là sự nỗ lớn, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể… đối với người dân trong công tác giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Để tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư ngày 20/9/2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông trở thành trung tâm kinh tế, giữ vai trò nòng cốt, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
Dù còn nhiều việc phải làm, phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng nhìn lại 31 năm qua, chúng ta có quyền tự hào khi tỉnh nhà đã có nhiều đổi thay vượt bậc. Phát huy những thành kết quả đạt được và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân cùng với khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị, chúng ta tin rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu Đảng bộ tỉnh đề ra, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Theo Vĩnh Hà (baokontum)