Kon Tum: Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại phiên chất vấn chiều 7/12, nhiều đại biểu đã chất vấn ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh kỳ họp. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Toàn cảnh kỳ họp. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Trong 3 ngày 6-8/12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành kỳ họp thứ 11.
Tại phiên chất vấn chiều 7/12, nhiều đại biểu đã chất vấn ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đại biểu Dương Thị Thu Thủy, tổ đại biểu huyện Đăk Tô nêu ý kiến thời gian qua, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra nhiều, gây dư luận bức xúc trong cử tri và nhân dân.
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, từ đầu năm đến nay, có 305 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện, khối lượng vi phạm là 1.058m3, 43ha rừng bị thiệt hại. Vậy có hay không việc buông lỏng quản lý, tiếp tay dẫn đến các vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng xảy ra nhiều và trở thành điểm nóng?
Đại biểu Lê Minh Chính, tổ đại biểu huyện Sa Thầy chất vấn về trách nhiệm của chủ rừng đối với các vụ việc xảy ra. Đại biểu Võ Thanh Chín, tổ đại biểu huyện Ia H’Drai đề nghị tính toán lại việc giao rừng cho cá nhân quản lý…
Trả lời các ý kiến trên, ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, ngành chức năng đã tập trung vào các giải pháp trọng tâm như rà soát, sắp xếp và xử lý các xưởng chế biến gỗ, mộc dân dụng; xử lý các phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành, nhất là các xe độ chế tham gia vận chuyển lâm sản trái phép.
Lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp như bố trí trạm chốt quản lý bảo vệ rừng; triển khai chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân; tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật, khẳng định rõ quan điểm trong công tác xử lý là “không có vùng cấm.”
Nhờ các giải pháp trên, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được những kết quả quan trọng. Vi phạm giảm cả về số vụ và mức độ so với năm 2019, trong đó, giảm 68 vụ (17%), lượng gỗ vi phạm giảm 2.037m3 (65%).
Công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng được thực hiện có hiệu quả. Các điểm nóng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp cơ bản được khống chế. Các vụ việc được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Đại biểu Võ Thanh Chín, tổ đại biểu huyện Ia H’Drai đề nghị tính toán lại việc giao rừng cho cá nhân quản lý để tránh tình trạng vi phạm lâm luật. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Đại biểu Võ Thanh Chín, tổ đại biểu huyện Ia H’Drai đề nghị tính toán lại việc giao rừng cho cá nhân quản lý để tránh tình trạng vi phạm lâm luật. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Điển hình như vụ khai thác rừng trái pháp luật tại lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý, thuộc địa bàn xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô.
Vụ việc được lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum phát hiện ngày 29/2/2020 và ngày 9/3/2020 các ngành chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý theo quy định (TTXVN có nhiều tin bài phản ánh trong thời gian qua).
Đến nay, vụ việc đã được Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô đưa ra xét xử lưu động, tuyên phạt 16 bị cáo với tổng mức án 98 năm, 6 tháng tù giam.
Khi các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra, tỉnh cũng đã xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là vai trò của người đứng đầu.
Cụ thể, trong năm 2020, đã có 29 trường hợp bị kỷ luật; trong đó 18 trường hợp khiển trách, 6 trường hợp cảnh cáo, 1 trường hợp cách chức, 4 trường hợp buộc thôi việc. Chưa có vụ việc nào phát hiện có hành vi tiếp tay, bao che vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng.
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, chủ yếu do diện tích rừng phân bố trên địa bàn rộng, chia cắt, phức tạp, gây khó khăn cho công tác tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Đời sống người dân ở gần rừng còn nhiều khó khăn, phần lớn thanh niên đến độ tuổi lao động bị thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, một số bị các đối tượng xấu xúi giục, lôi kéo vào rừng khai thác gỗ trái phép...

Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum trả lời chất vấn của các đại biểu về công tác quản lý bảo vệ rừng. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum trả lời chất vấn của các đại biểu về công tác quản lý bảo vệ rừng. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Bên cạnh đó, năng lực tổ chức, điều hành và tinh thần trách nhiệm của một số chủ rừng còn hạn chế, yếu kém, nên để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép kéo dài trên lâm phần quản lý nhưng chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đề ra nhiều giải pháp, trong đó căn cơ lâu dài là nghiên cứu triển khai các mô hình quản lý bảo vệ rừng hay, cách làm tốt, đẩy mạnh triển khai các chương trình nhằm giúp người dân phát triển kinh tế rừng, hưởng lợi từ rừng như trồng dược liệu dưới tán rừng, khôi phục rừng trên diện tích đất canh tác nương rẫy...
Lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp có tiếp tay bao che cho những hành vi vi phạm; sắp xếp lại với các chủ rừng chưa chủ động phát hiện vụ việc vi phạm lâm luật; rà soát theo hướng tăng cường việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý và bảo vệ, để người dân và cộng đồng sẽ được hưởng lợi từ việc quản lý và bảo vệ rừng.
Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm