Kolkata sách và thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ăn Tết được 3 ngày là chúng tôi đã rời Việt Nam lên đường sang Kolkata-Ấn Độ để dự Hội chợ Sách quốc tế lần thứ 38 và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ 8. Đoàn nhà thơ Việt Nam có 7 người là Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Việt Hằng, Đàm Quỳnh Ngọc, Dili, Nguyễn Linh Khiếu, Hải Thanh và tôi được Hội Nhà văn Việt Nam chỉ định là Trưởng đoàn dù tôi sống ở tỉnh lẻ…

Kolkata có tên gọi cũ là Kan Cút Ta, là thành phố lớn thứ 3 ở Ấn Độ, thủ phủ của bang Tây Bengal với số dân lên tới 14 triệu người, là kinh đô cũ của Ấn Độ và bây giờ thì Đảng Cộng sản Ấn Độ đang cầm quyền ở bang này, vì thế những ngày chúng tôi ở đây thấy rợp cờ búa liềm…

 

 Với bạn đọc Ấn Độ trước gian hàng sách Việt Nam trong hội chợ sách quốc tế Kolkata. Ảnh: Văn Công Hùng
Với bạn đọc Ấn Độ trước gian hàng sách Việt Nam trong hội chợ sách quốc tế Kolkata. Ảnh: Văn Công Hùng

Phải nói thật là người viết lách nhưng tôi không thể ngờ được lại có một cái hội chợ sách lớn đến như thế. Đoàn các nhà thơ Việt Nam được các bạn Ấn Độ một kèm một để lách giữa rừng người hàng chục vạn để vào gian hàng Việt Nam và địa điểm khai mạc cho khỏi lạc. Phải thú thật là chúng tôi thất vọng với gian hàng Việt Nam. Nhỏ và khiêm nhường thì là đương nhiên rồi, vì nó chỉ do mấy người của Hội Hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam, những người làm không công, thực hiện, nhưng ngạc nhiên là bởi sách trong ấy quá cũ và ít. Tất cả chúng tôi lục cặp, va ly lấy sách của mình và bạn bè gộp vào để bày. Trước khi đi, chúng tôi hoàn toàn không biết, chứ nếu biết thì sẵn sàng làm mấy thùng sách mang sang. Các nhà văn làm ra sách, nhưng những hội chợ thế này có lẽ phải là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hoặc Đại sứ quán góp tay vào. Tuy thế gian hàng Việt Nam cũng có rất đông bạn đọc Ấn Độ vào tìm hiểu.

Khi biết chúng tôi là các nhà thơ đến từ Việt Nam thì họ xúm vào chụp ảnh và hỏi thăm. Lúc khai mạc, tất cả các nhà thơ Việt Nam đều được mời lên bàn Chủ tịch đoàn nhận hoa và khăn quàng cổ truyền thống Ấn Độ. Là khách nước ngoài đầu tiên được mời phát biểu, tôi bày tỏ sự kính trọng chữ, kính trọng sách và kính trọng nhân dân Ấn Độ, đất nước Ấn Độ, dù còn nhiều khó khăn trong đời sống, nhưng với tình yêu chữ và sách như thế này thì Ấn Độ có quyền ngẩng cao đầu sánh vai với những nước có nền văn hóa bậc nhất. Sách làm nên văn hóa, làm nên nhân cách và thế giới tâm hồn con người. Tôi không bao giờ nghi ngờ khi ai đó nói rằng, những người yêu và đọc sách nói chung và thi ca nói riêng sẽ ít làm điều ác hơn, sẽ sống đẹp hơn, nhân hậu hơn, giàu tình yêu hơn…

Hôm sau là Liên hoan Thơ quốc tế. Tôi thấy có nhà thơ của các nước Pakistan, Bangladesh (là 2 nước chung biên giới và đang có vấn đề về biên giới với Ấn Độ, nhưng thi ca đã kéo họ ngồi vào chung một phòng), Peru, Turkey, Macedonia, Serbia, Italy, Lithuania, Russia… và chừng 400 nhà thơ Ấn Độ.

Nhưng điều tôi muốn nói lại là tình cảm của các bạn thơ quốc tế với Việt Nam. Mời đoàn nhà thơ Việt Nam sang tham dự cả 2 hoạt động sách và thơ là Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam. Nghe thì oai nhưng đây là một tổ chức với chỉ vỏn vẹn 5 con người làm không công, có một cô giáo dạy đại học ở cách đấy 500 cây số nhưng cũng bỏ tiền túi đi xe đò đến để tiếp đoàn Việt Nam. Chủ tịch tổ chức này là ông Sharma, người đã 18 lần sang Việt Nam, kể vanh vách lịch sử Việt Nam và đã từng được Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng rất nhiều quan chức cấp cao Nhà nước ta tiếp và tặng quà. Trụ sở của hội này tràn ngập tư liệu Việt Nam và chúng tôi thấy ông yêu Việt Nam một cách rất hồn hậu chứ không phải lên gân màu mè gì. Chính ông Sharma đã… xé rào khi tách chúng tôi một buổi khỏi liên hoan thơ để đưa đến Trường Đại học President Kolkata đọc thơ và nói chuyện về Việt Nam cho giáo viên và học sinh Khoa Ngôn ngữ Hindu nghe. Và ông là một diễn giả rất cừ khôi.

 

Ảnh: V.C.H
Ảnh: V.C.H

Hay như các bạn nhà thơ Pakistan khi chia tay đã ôm chúng tôi và… khóc, một chuyện nếu mà không trực tiếp chứng kiến sẽ bảo là bịa hay là… sến, nhưng đấy là những giọt nước mắt thật của một tình cảm rất thật, dù cũng phải nói thật, do hạn chế về ngôn ngữ nên sự giao tiếp của các nhà thơ Việt Nam khá khó khăn, trong khi các nhà thơ quốc tế sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ… Điều này tôi đã thú nhận khi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học President, nhưng cũng vớt thêm một tí là nhờ thế mà các bạn cũng nghe thêm được một thứ tiếng, theo tôi là khá hay, và thơ Việt thì phải do chính người Việt đọc bằng tiếng Việt thì mới lên hết cái vi diệu tinh tế của nó…

Tôi được sống trong không khí thơ khá nhiều, có nhiều cuộc như lên đồng nữa, nhưng quả thực, những ngày thơ và sách Kolkata Ấn Độ vẫn để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Một sự dân chủ trọn vẹn cho chữ, hết mình cho chữ và cũng rất vất vả vì chữ. Chứ lại không vất vả ư khi chúng tôi đã bay hàng chục giờ bay, transit nữa, nửa đêm gần sáng đến một nơi vô cùng xa lạ, nhưng đã ấm lòng ngay khi các bạn chủ nhà vẫn đợi với những vòng hoa đeo lên cổ chúng tôi. Và vì gần sáng mà sân bay lại xa nên cái xe 7 chỗ đã chất 7 nhà thơ Việt Nam, 3 bạn Ấn Độ với lỉnh kỉnh va li to vật chạy mấy chục cây số vào trung tâm thành phố, nhận phòng xong chợp mắt một tí là sáng mai đã vào cuộc rồi, thế mà cứ tươi hơn hớn…

Khi về, trên đường đưa chúng tôi ra ga, xe ghé vào trụ sở Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam, ông Sharma cứ lẩn mẩn lôi khắp gian phòng nhỏ những gì có thể tặng được để tặng chúng tôi, như là một cách rút ruột với Việt Nam. Có người được tặng lọ nước hoa, người con dao cạo, người chiếc huy hiệu, người bức tượng… Tôi được tặng một tuýp xà phòng cạo râu có lẽ vì ông thấy râu tôi mấy ngày chưa cạo. Ông còn nhớ lúc này ở Việt Nam vẫn còn Tết nên đã chuẩn bị sẵn 2 lẵng hoa, nến và chúng tôi ôm nhau hát “Happy new year” trong ánh nến chập chờn…

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.