Năm 2010 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010. Về lĩnh vực kinh tế, Gia Lai đang tăng tốc để về đích.
Đường bay thẳng Pleiku- Hà Nội góp phần phát triển KT-XH tỉnh. Ảnh: N.G |
Đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Để vượt qua giai đoạn khó khăn chung của cả nước, Gia Lai cần khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, trong đó chú trọng vào những thế mạnh như: Thủy điện, phát triển diện tích trồng cao su theo đề án 50.000 ha Chính phủ đã đề ra. Đồng thời, trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động thị trường đến các doanh nghiệp là rất lớn nên tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất từ đó duy trì được việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội…
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, mặc dù phải đối mặt với khó khăn song Gia Lai vẫn đạt giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6,5% so với năm 2008 và tổng sản lượng lương thực đạt 495.170 tấn, tăng 4,7%. Đạt tốc độ tăng trưởng 15,61% là kết quả khả quan trong điều kiện khó khăn. Kết thúc năm 2009, có 10 chỉ tiêu quan trọng trong năm mà Gia Lai đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, giá trị sản xuất nông nghiệp và công nghiệp…
Đề cập tương lai của nền kinh tế trong năm 2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ cho biết: 2010 sẽ là năm Gia Lai có bước đột phá trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh đang triển khai triệt để việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trên một số lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Cùng với việc tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh, tỉnh sẽ rà soát lại các chính sách kêu gọi đầu tư cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đặc biệt, ngoài những chính sách ưu đãi chung của Chính phủ, Gia Lai sẽ có những ưu đãi riêng đối với nhà đầu tư…
Nhà máy thủy điện H’Chan. Ảnh: Đức Thụy |
Hiện nay, Gia Lai có 147 dự án đã và đang triển khai với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 35.000 tỉ đồng. Trong 53 danh mục kêu gọi dự án đầu tư vào Gia Lai từ năm 2009-2015, có 14 dự án được các doanh nghiệp trong và ngoài nước ký cam kết đầu tư với tổng số vốn trên 5.000 tỉ đồng. Trong đó có một số dự án lớn như: Dự án nhà máy sản xuất MgO (quặng Magnesite) và vật liệu chịu lửa do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đầu tư với số vốn 300 tỉ đồng; dự án trồng 18.000 ha cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với tổng vốn là 1.170 tỉ đồng…
Năm 2010, Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp (nông- lâm nghiệp chiếm 39,8%, công nghiệp- xây dựng chiếm 32,1% và dịch vụ chiếm 28,1%); phấn đấu đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế như: Kim ngạch xuất khẩu đạt 160 triệu USD, tổng thu ngân sách 2.150 tỉ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.860 tỉ đồng…
Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2010 là nặng nề, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng khẳng định: Với sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị thì mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu trong năm 2010 sẽ đạt được một cách toàn diện.
Minh Dưỡng