(GLO)- Nhiều tỉnh, thành phố đã sử dụng kết quả đánh giá xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với thái độ thật sự cầu thị, nghiêm túc để phân tích, mổ xẻ một cách khoa học hoạt động của bộ máy quản lý, tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những sai phạm khuyết điểm, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, đề ra các chương trình hành động phù hợp, do đó đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội.
Trong phạm vi một bài báo khó có thể nêu đầy đủ những vấn đề của PCI, dưới đây tôi xin nêu một số vấn đề về nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Gia lai để độc giả tham khảo:
Kỳ I: Thách thức trong điều hành kinh tế
Khi Trung ương phân cấp về quản lý kinh tế-xã hội cho địa phương càng nhiều thì quá trình cạnh tranh về thể chế giữa các địa phương càng trở nên mạnh mẽ. Do đó đòi hỏi phải xây dựng các công cụ đáng tin cậy để đo lường năng lực và hiệu quả của thể chế địa phương, thúc đẩy các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội.
Bắt đầu từ năm 2005, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (VNCI) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cho ra đời bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam trên 9 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian thực hiện các quy định nhà nước; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; chi phí không chính thức; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
Các chỉ số thành phần PCI có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau và đều thuộc nội hàm của khái niệm thể chế địa phương. Từ đó đến nay, bảng xếp hạng PCI hàng năm đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ngoạn mục, nhiều tỉnh thành chỉ trong vòng 1 hay 2 năm đã từ vị trí thấp nhảy vọt lên những vị trí cao, ngược lại một số tỉnh thành lại theo chiều hướng ngược lại, tuy không hẳn là do năng lực thể chế và hiệu quả quản lý của các địa phương sút kém đi mà nhiều khi chỉ đơn giản là do sự tiến bộ của các địa phương ấy chậm hơn so với các địa phương khác. Nhưng đằng sau của sự thay đổi thứ hạng ấy chính là xu thế cạnh tranh thể chế bền bỉ và đầy quyết tâm giữa các địa phương. Bình Dương, Đà nẵng đã thay nhau giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI cả nước trong năm, nhưng năm 2011 đã phải nhường ngôi cho Lào Cai.
Những nghiên cứu của VCCI cho thấy nếu địa phương tăng được một điểm PCI sẽ thu hút thêm được ba nhà đầu tư mới đến đầu tư. Vì vậy nhiều tỉnh, thành phố đã căn cứ vào kết quả đánh giá xếp hạng PCI để mổ xẻ, phân tích thực trạng hoạt động của bộ máy quản lý, tìm ra những giải pháp tích cực nhằm hoàn thiện môi trường thể chế, thu hút, khai thác có hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
PCI Gia lai bình quân 6 năm (2006-2011) đạt 54,38 điểm so với điểm tối đa là 100 và so với điểm PCI được xếp hạng cao nhất là Đà nẵng đạt bình quân 72,22 điểm. Khoảng cách 18 điểm so với Đà nẵng không phải là quá xa, nhưng rất đáng suy nghĩ là thứ hạng của PCI Gia lai đã giảm nhanh từ hạng 27 năm 2006 xuống hạng 51 năm 2011 trong 63 tỉnh, thành phố và dường như sẽ còn tiếp tục tụt hạng nếu không có những biện pháp đổi mới có ý nghĩa đột phá và đồng bộ cả trong tổ chức bộ máy cán bộ và hoạt động điều hành hàng ngày.
Từ kết quả đánh giá xếp hạng PCI Gia Lai đặt ra ba vấn đề quan trọng cần được mổ xẻ phân tích cụ thể và nghiêm túc: Gia Lai là tỉnh có quy mô kinh tế không lớn, số lượng doanh nghiệp tính trên một vạn dân khá thấp, ước chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức trung bình của cả nước, khoảng 1/4 so với Bình Dương… Áp lực công việc từ phía doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng không lớn như các tỉnh, thành phố khác có nhiều doanh nghiệp, nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của các cơ quan này lại không được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Số điểm đánh giá chỉ ở mức trung bình; xu hướng tăng điểm đánh giá không rõ ràng, chỉ dao động từ 53 điểm đến 56 điểm trong suốt 6 năm, cho thấy bằng cảm nhận của mình, các doanh nghiệp cho rằng hoạt động của các cơ quan có chức năng điều hành kinh tế ở Gia lai chưa thật sự có nhiều tiến bộ, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp. Niềm tin của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp đối với các cơ quan chính quyền chậm được cải thiện, do đó làm hạn chế động lực kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp và người dân. Điều đó phần nào giải thích vì sao từ nhiều năm nay kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Gia lai còn khá khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, nhưng lại có một lượng vốn không nhỏ đang rút khỏi địa bàn Gia lai dưới nhiều hình thức khác nhau.
Có thể xem các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là thước đo phản ánh chất lượng và hiệu quả của các hoạt động điều hành của chính quyền địa phương có liên quan đến phân bổ, sử dụng các nguồn lực nhằm phát huy các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh hiện có và sẽ có để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, thông qua cảm nhận đánh giá của các doanh nghiệp. Do đó khi điểm đánh giá PCI không cao và chậm được cải thiện thì có nghĩa các nguồn lực gắn với các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh chưa được phát huy có hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và ngược lại. Khi thứ hạng PCI hạ thấp có nghĩa vị thế và lợi thế thu hút, huy động các nguồn lực bị giảm sút tương đối trong xu thế cạnh tranh do môi trường đầu tư đang có những yếu tố, nhất là yếu tố thể chế trở nên kém hấp dẫn hơn so với các địa phương khác.
Chỉ số tổng hợp về môi trường đầu tư-một công cụ quan trọng để đo lường độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trên địa bàn một tỉnh, là tổng hợp của 3 yếu tố: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số phát triển cơ sở hạ tầng, chỉ số sẵn sàng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (quan niệm của VCCI). Theo số liệu năm 2008, so với Lào Cai thì chỉ số phát triển cơ sở hạ tầng của Gia lai vượt hơn 24 bậc, chỉ số sẵn sàng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin Gia Lai kém 5 bậc, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Gia lai kém tới 20 bậc, nên chỉ số tổng hợp về môi trường đầu tư Gia Lai kém Lào Cai tới 18 bậc. So sánh chỉ số tổng hợp về môi trường đầu tư Gia Lai với các tỉnh khác như: Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp... thì tình hình cũng diễn ra tương tự như vậy.
Trên thực tế, trong cách đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, khi cơ sở vật chất có thể còn khó khăn, nhưng nếu chính quyền địa phương thật sự thấu hiểu doanh nghiệp, thật sự nỗ lực để có nhiều chính sách tốt phục vụ doanh nghiệp phát triển ổn định vì “sự nghiệp dân giàu nước mạnh...” thì môi trường đầu tư ở đó vẫn được các doanh nghiệp đánh giá cao và do đó vẫn thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh lâu dài. Đây cũng chính là hệ quả quan trọng nhất của xu thế cạnh tranh thể chế địa phương trong khuôn khổ luật pháp và chính sách của Trung ương.
Năm 2011, PCI Lào cai đã vươn lên đứng đầu trong bảng xếp hạng của cả nước, trong khi PCI Gia Lai tiếp tục tụt thêm 13 bậc so với năm 2008 và chỉ còn cách tỉnh có PCI thấp nhất cả nước 12 bậc. Xu thế tụt hạng về PCI Gia lai trong 6 năm qua cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh ở Gia Lai đang trở nên kém hấp dẫn hơn so với nhiều địa phương khác, đặt ra không ít thách thức trong điều hành kinh tế ở Gia Lai.
Hải Sơn
Chỉ số tổng hợp PCI Gia Lai
Năm | Điểm tổng hợp | Kết quả xếp hạng | Điểm dẫn đầu cả nước |
2006 | 53,06 | 27 | 76,23 |
2007 | 56,16 | 30 | 77,20 |
2008 | 51,82 | 38 | 72,18 |
2009 | 56,00 | 43 | 75,96 |
2010 | 53,65 | 50 | 69,77 |
2011 | 55,07 | 51 | 75,53 |