Xuất khẩu cả năm nay có khả năng đạt kim ngạch 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009 và tăng 16,5% so với kế hoạch năm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Cơ cấu xuất khẩu chuyển biến tích cực
Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu tháng 11 ước đạt 6,45 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2009.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng qua ước đạt 64,28 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2009 chủ yếu do cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam có nhiều lợi thế về thị trường và giá cả.
Giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng mạnh như sắn tăng 83,8%, cao su tăng 81,2%, hạt tiêu tăng 39%.
Tính bình quân, mỗi tháng xuất khẩu đạt 5,86 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo đã tăng từ mức 62,8% lên 68,7%, giảm dần xuất khẩu thô, có giá trị gia tăng thấp.
Sự tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng này có đóng góp từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này tăng từ mức 52,4% trong cùng kỳ năm 2009 lên đến 54,1%.
Khu vực FDI tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, máy vi tính, máy móc phụ tùng nên đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu và gia tăng giá trị xuất khẩu chung của cả nước.
Tháo gỡ khó khăn từ nhiều phía
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết Quốc hội vừa giao nhiệm vụ tăng trưởng xuất khẩu năm 2011 ở mức 10%, thấp hơn rất nhiều so với năm 2010 nhưng cũng không dễ thực hiện.
Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu có thể thấy đóng góp của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản sẽ tiếp tục giảm do lượng dầu khai thác trong nước sẽ "chảy" vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhiều hơn khi nhà máy này bước vào giai đoạn chế biến sâu và tăng công suất trong năm 2011.
Xuất khẩu than năm 2011 dự kiến cũng sẽ giảm từ mức 18-19 triệu tấn (năm 2010) xuống mức 16,5-17 triệu tấn (năm 2011).
Việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu của năm 2011 cũng sẽ khó khăn hơn khi mà các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản thương mại với hàng hóa nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), vừa rồi Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định sơ bộ về việc áp thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp bị áp thuế lên tới 130%.
Nhật Bản cũng đã quyết định áp dụng biện pháp kiểm tra với các lô hàng thủy sản nhập khẩu vào nước này do lo ngại hàm lượng chất Trifluralin.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết việc áp dụng hàng rào kỹ thuật một phần do lo ngại về chất lượng hàng hóa nhưng nhiều khi cũng xuất phát từ sự áp đặt mang tính chủ quan của các nhà nhập khẩu.
Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đồng tình với nhận xét của Bộ Công Thương rằng xuất khẩu nông sản năm 2011 sẽ khó có lợi thế về giá như năm 2010.
Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản đã tăng giá mạnh nhưng không nhiều doanh nghiệp chớp được các cơ hội tăng giá. Chẳng hạn, có lô hàng gạo xuất khẩu vừa qua đã ký được ở mức giá 500 USD/tấn nhưng số lượng đơn hàng ký được với giá này không nhiều.
Ngay từ đầu năm 2010, với đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhiều mặt hàng nông sản đã được dự báo sẽ tăng giá nhưng cũng không nhiều doanh nghiệp "theo đuổi" được dự báo này do không có khả năng tài chính để trữ hàng chờ giá cao...
Bà Miêng đề nghị Nhà nước nên có giải pháp tài chính như nâng hạn mức cho vay, tăng thời gian cho vay vốn... để hỗ trợ doanh nghiệp.