(GLO)- Gia Lai đã chính thức bước vào mùa mưa lũ. Để tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn hồ chứa, ngày 13-6, UBND tỉnh Gia Lai đã có Chỉ thị số 07/CT-UBND yêu cầu các chủ đập thủy điện, thủy lợi cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai, xây dựng kế hoạch đối với các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh. Đây là công tác đến hẹn lại lên, song thiết nghĩ, cần có những chế tài hợp lý đối với các chủ hồ đập không đảm bảo an toàn hồ chứa khi sự cố xảy ra.
Ảnh: Đức Thanh |
Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 99 hồ chứa nước thủy lợi, 39 hồ chứa nước thủy điện. Trong đó, có 18 hồ chứa có dung tích lớn hơn 10 triệu m3, 13 hồ chứa có dung tích 1-10 triệu m3, 107 hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3. Mặc dù các cấp chính quyền luôn kịp thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác và cơ quan chuyên môn phải có sự quan tâm hợp lý tới công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện như kiểm tra, đánh giá chất lượng xây dựng công trình, kiểm định an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phương án phòng-chống lũ lụt vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập… song thực tế, vẫn còn một số chủ đập buông lỏng công tác đảm bảo an toàn hồ chứa. Đến nay, còn tới gần 10 hồ chứa thủy điện và cũng con số đó hồ chứa thủy lợi có dung tích hồ chứa hơn 1 triệu m3 chưa đăng ký an toàn đập. Nhiều hồ chứa thủy điện và thủy lợi đến thời kỳ kiểm định theo quy định nhưng chưa được kiểm định.
Rõ ràng, các công trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành khi qua nhiều đợt kiểm tra, giám sát đều cho thấy công tác quản lý bảo vệ các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý, vì thiếu kinh phí và thiếu cán bộ vận hành công trình, nên việc khai thác, quản lý, bảo vệ công trình còn hạn chế. Việc đầu tư, sửa chữa sự cố hư hỏng chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ. Một số công trình thủy điện do doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần đầu tư chưa thường xuyên báo cáo về tích nước, xả lũ cho cơ quan thường trực theo dõi, tham mưu nên còn nhiều khó khăn trong quản lý để thông báo cho dân và chính quyền địa phương phòng tránh. Nếu hồ đập có xảy ra sự cố, trách nhiệm của các chủ hồ đập là lớn nhất. Việc cần có những chế tài hợp lý đối với các chủ hồ đập không đảm bảo an toàn hồ chứa khi sự cố xảy ra là cần thiết, ngoài việc phải đền bù những thiệt hại gây ra cho người dân bị ảnh hưởng.
Gia Lai đang bước vào mùa mưa. Nguy cơ vỡ đập, mất an toàn từ các hồ chứa nước vẫn còn tiềm ẩn. Bởi vậy, từ rất sớm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã có công văn yêu cầu các chủ đập thủy điện, thủy lợi tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của hồ chứa thủy lợi, thủy điện, công trình đê điều trước, trong và sau mùa mưa lũ; có kế hoạch tích nước, xả lũ hợp lý cho từng công trình, tránh việc xả lũ vượt mức cho phép gây thiệt hại cho vùng hạ du đập. Theo đó, các chủ đầu tư có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình thủy lợi, thủy điện để đạt cao trình vượt lũ; sửa chữa, nâng cấp các hồ đập, hệ thống tiêu thoát lũ, kè bảo vệ để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời việc xả lũ hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến nhân dân vùng hạ lưu đập để chủ động phòng, tránh, ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân khi xả lũ hồ chứa.
Ảnh: Gia Cư |
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa lũ. Sở Công thương tăng cường công tác quản lý quy hoạch các hồ chứa thủy điện; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ đập thủy điện. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án, bố trí huy động lực lượng, phương tiện cần thiết, phối hợp với chủ đập thủy lợi, thủy điện và chính quyền địa phương để tham gia ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về mất an toàn đập, sự cố vỡ đập, nguy cơ ngập lũ vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa và công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ địa phương khắc phục thiệt hại, đảm bảo vai trò chủ lực của quân đội trong công tác này.
Riêng đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng-chống lũ lụt; cùng với các chủ đập thủy điện, thủy lợi thông báo kịp thời việc xả lũ hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến nhân dân vùng hạ du đập để chủ động phòng tránh, ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân khi xả lũ hồ chứa. Triển khai kịp thời công tác quản lý an toàn đập, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập trong mùa mưa lũ năm 2014 đối với các hồ, đập, trạm bơm, hệ thống thủy lợi, kênh mương do địa phương quản lý theo phân cấp.
Hà Duy