(GLO)- Cuối cùng thì cái gì đến cũng phải đến. Trong nhiều vấn đề mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo thì chuyện kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cá nhân liên quan vì vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng (khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà-nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang-Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc) cho thấy, không có biệt lệ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Quyết tâm làm lành mạnh hoạt động ngân hàng đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Ảnh internet |
Ông Trần Bắc Hà bị kết luận là vi phạm rất nghiêm trọng trong quá trình điều hành BIDV một thời gian dài. Không chỉ vì làm thất thoát 4.700 tỷ đồng trong việc ký cho 12 công ty con của Phạm Công Danh vay dẫn đến mất vốn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đời sống của người lao động, tác động xấu đến uy tín của ngành ngân hàng, mất lòng tin đối với nhân dân, mà còn ở cung cách điều hành, tư tưởng “trong tay đã sẵn đồng tiền”, tác oai tác quái trên nhiều lĩnh vực hoạt động, nhiều mối quan hệ… để lại nhiều tai tiếng về một cán bộ lãnh đạo có thâm niên trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của đất nước.
Dư luận đã từng nhiều lần đồn đoán về chuyện ông Hà bị bắt. Mỗi lần như thế, cổ phiếu của BIDV lại một phen chao đảo, thị trường chứng khoán cũng vì thế mà xanh, đỏ bất thường. Bởi với vị thế đàn anh trong hệ thống các ngân hàng thương mại, hoạt động trên địa bàn rộng, cung cấp tín dụng cho nhiều dự án lớn, mỗi cái “hắt hơi sổ mũi” của BIDV cũng khiến thị trường tài chính đứng ngồi không yên. Vì vậy, xử lý sai phạm của BIDV như thế nào để không tác động xấu đến cả hệ thống là điều hết sức cân nhắc.
Việc vẫn trụ được bất chấp tin đồn, bất chấp những xôn xao của dư luận cho thấy cái đế chế mà ông Trần Bắc Hà gây dựng bao năm qua đã được bao bọc như thế nào? Nếu không có sự quyết tâm cao độ của Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng Trung ương, không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chân tướng thực sự của ông trùm lắm tiền nhiều tật, nấp dưới cái vỏ nhà kinh doanh này sẽ không dễ bị lật tẩy, bị bóc trần để đưa ra ánh sáng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, BIDV trong một thời gian dài dưới sự điều hành của ông Hà đã đầu tư vào một số ngân hàng cho vay với nhiều điểm đáng ngờ. Hậu quả đã rõ mười mươi, hàng ngàn tỷ đồng của ngân hàng đã tiêu tan. Khai trừ ông ta ra khỏi Đảng chỉ là bước đầu tiên, mở màn cho quá trình xử lý tiếp theo. Chống tham nhũng, mục tiêu sau cùng vẫn là làm sao thu hồi lại tài sản cho đất nước.
Là một nhà kinh doanh, khi cho vay, ai cũng hiểu, cần có sự thẩm định, giám sát chặt chẽ của ngân hàng với nhiều tầng nấc. Nếu vô tư, đúng pháp luật, chắc chắn hàng ngàn tỷ đồng của BIDV sẽ không dễ dàng bị các “doanh nghiệp ma” chiếm dụng như vậy. Sai phạm của ông Trần Bắc Hà và những cộng sự thân tín của ông, chắc cũng không chỉ dừng lại ở việc quyết định thiếu căn cứ, thiếu điều tra, nghiên cứu! Bởi, không ai ngây thơ bỏ qua những quy định nghiêm ngặt của ngành, mang hàng ngàn tỷ đồng của ngân hàng cho người ta vay mà không đếm xỉa gì đến năng lực, uy tín của doanh nghiệp! Người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về những cái bắt tay mập mờ dưới gầm bàn sau những bản hợp đồng tín dụng không bình thường này.
Ông Trần Bắc Hà đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng chắc sẽ không có chuyện hạ cánh an toàn. Ông phải trả giá cho những gì mà mình đã gây ra khi còn ngồi trên chiếc ghế đầy quyền lực và tiền bạc ở BIDV. Những dự án, công trình mang dấu ấn Trần Bắc Hà chắc chắn rồi đây sẽ bị mang ra soi rọi dưới ánh sáng pháp luật để người dân thấy được sức mạnh của công pháp. Những vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến sai phạm của các ngân hàng thương mại cũng đã được xét xử. Đây là bài học cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những ai còn thói quen cậy thế cậy tiền tác oai tác quái, gây thiệt hại cho hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Công khai minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các công cụ quản lý nhà nước luôn là điều cần thiết để hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng lành mạnh hơn.
Nguyễn Vân