Không thờ ơ với quyết tâm chống lãng phí, tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một nửa số bộ, ngành Trung ương, gần 1/4 tỉnh thành, gần 3/4 tập đoàn, tổng công ty nhà nước không có chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thế mới thấy, việc tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, dành nguồn lực cho phát triển đất nước, dẫu rất ý nghĩa nhưng cũng còn không ít trở lực.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần qua được dư luận chú ý khi nhiều bộ, ngành và địa phương bị phê bình vì không có báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, công tác tinh giản biên chế, thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu. Cả nước hiện còn hơn 42 ngàn đơn vị sự nghiệp được ngân sách cấp 100% kinh phí với khoảng 140 ngàn tỷ đồng/năm, chiếm trên một nửa kinh phí hoạt động của các đơn vị công lập, tăng 2,2% so với năm 2016. Đáng ngại nhất là cả nước đang thừa trên 57 ngàn biên chế.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Với 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức trên 93 triệu dân, Việt Nam được xem là quốc gia đông công chức, viên chức nhất Đông Nam Á. Song điều đáng quan tâm không phải công chức nhiều hay ít, mà là hiệu quả làm việc của đội ngũ này như thế nào?

Từng có những cuộc tranh luận xoay quanh câu chuyện “30% cán bộ, công chức làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Dẫu chưa ngả ngũ nhưng những ý kiến kiểu này cho thấy sự hoài nghi của xã hội về hiệu quả thực sự của bộ máy hành chính quốc gia.   

Không chỉ tạo ra gánh nặng cho ngân sách, thừa biên chế đang làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, kém hiệu quả, gây lãng phí lớn nhân lực và cơ sở vật chất, là nguyên nhân dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, làm xấu xí hình ảnh nền công vụ trong mắt người dân.

Vì thế, năm nay, Chính phủ quyết tâm tiết kiệm 12% chi thường xuyên cho hội họp; cắt giảm 100% kinh phí động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản; sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm 1,7% biên chế công chức, 2,5% số đơn vị hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lại tỏ ra hoài nghi những chỉ tiêu này khi còn quá nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong khi đó, nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì “Nhiều nơi thực hiện việc này chưa nghiêm túc. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, nguồn lực còn kém hiệu quả, lãng phí diễn ra ở các góc độ khác nhau. Ý thức của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa nghiêm túc”.

Lãng phí cũng là một thứ giặc “nội xâm” không khác gì tham nhũng. Nhất là những khoản lãng phí hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng ở những dự án được đầu tư bằng vốn nhà nước. Vì thế, 16/34 bộ, cơ quan Trung ương; 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không báo cáo chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng là một sự bê trễ, nếu không muốn nói là thờ ơ với chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí.

Không thể để tình trạng “trên nóng dưới lạnh” ngấm ngầm cản trở quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Bởi, chống tham nhũng để Đảng sạch-nước mạnh đang là xu thế tất yếu, là ý nguyện của lòng dân, mà không một thế lực nào, với bất cứ động cơ, lý do nào được phép đi ngược lại. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm!”.

Vân Thiêng

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.