(GLO)- L.T.S: Vận tải khách trong dịp Tết luôn là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm, nhất là tình trạng “xe dù, bến cóc”, tăng giá vé bất hợp lý của một số hãng xe gây bức xúc dư luận nhiều năm qua. Để bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, phóng viên Gia Lai online có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai.
- P.V: Ông có thể cho biết phương án phục vụ vận tải khách dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013?
Ông Nguyễn Hữu Quế: Vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao, dự báo lượng khách sẽ tăng khoảng 50-60% so với ngày thường, đặc biệt là các tuyến: Gia Lai đi các tỉnh phía Bắc (trước Tết) và Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh (sau Tết). Với phương châm “Bảo đảm an toàn, thuận lợi-Không để người dân nào không có phương tiện về quê ăn Tết”, Sở Giao thông-Vận tải đã có kế hoạch chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, kinh doanh khai thác bến xe; các đơn vị quản lý đường bộ; các trung tâm đăng kiểm; phòng kinh tế-hạ tầng của các huyện và phòng quản lý đô thị các thị xã, thành phố… xây dựng kế hoạch điều động, bố trí phương tiện phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho nhân dân.
Sở đã thành lập ban chỉ đạo phục vụ Tết, phân công lịch trực 24/24 giờ đối với lãnh đạo và cán bộ trực giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác vận tải hành khách và bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau Tết. Đồng thời, cử cán bộ trực làm việc kể cả thứ bảy và chủ nhật để kịp thời cấp đổi sổ nhật trình, phù hiệu xe chạy tuyến cố định, xe chạy hợp đồng và báo cáo tình hình vận tải trong dịp Tết về Bộ Giao thông-Vận tải, UBND tỉnh và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để kịp thời chỉ đạo.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ vận tải Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Quý Tỵ 2013, Sở Giao thông-Vận tải và Sở Tài chính đã thống nhất phương án phụ thu giá vé của các doanh nghiệp vào thời gian cao điểm trước Tết 14 ngày và sau Tết 10 ngày trên tất cả các tuyến vận tải trên địa bàn tỉnh, với mức phụ thu không quá 60% so với ngày thường. Với các tuyến ngắn từ Gia Lai đi các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đak Lak, Kon Tum và các tuyến nội tỉnh không phụ thu.
Có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải khách, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến hết ngày 31-1-2013 chưa xảy ra việc thiếu phương tiện vận tải phục vụ trong giai đoạn cao điểm trước Tết trên tuyến từ Gia Lai đi các tuyến phía Bắc và từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai. Tại Cảng Hàng không Pleiku, các hãng hàng không bên cạnh duy trì lịch bay thường lệ cũng đã tăng từ 1 đến 2 chuyến/ngày trong đợt cao điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại của một bộ phận hành khách có thu nhập cao.
- P.V: Vậy công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông sẽ được triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Quế: Để đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong và khu vực xung quanh bến xe, trật tự an toàn giao thông, liên ngành Giao thông-Vận tải và Công an tỉnh xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn vận chuyển khách và kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong vận tải khách dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và Lễ hội Xuân 2013; tiếp nhận thông tin, tham mưu giúp lãnh đạo 2 cơ quan đôn đốc thực hiện công tác vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết; tăng cường tuần tra kiểm soát trong bến xe và các khu vực xung quanh, kiểm tra xe ô tô chở khách trước khi xuất bến; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về tình trạng “xe dù, bến cóc”, Sở chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông chủ động phối hợp với Cảnh sát Giao thông huy động 100% lực lượng tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các đoạn đường, nhất là những vị trí có mật độ giao thông lớn để kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý các chủ phương tiện, lái xe vi phạm các quy định của Nhà nước về vận tải khách, xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Đặc biệt, hai ngành đã đề ra phương án cụ thể phối hợp với Ban An toàn Giao thông tỉnh trong việc bố trí, điều động phương tiện dự phòng, ứng trước kinh phí để phục vụ tiếp chuyển hành khách tiếp tục hành trình trong các tình huống phát sinh như xe bị tai nạn, bị hư hỏng, xe khách chở quá số người quy định buộc phải hạ tải,…
- P.V: Việc quốc lộ 14 xuống cấp có ảnh hưởng gì đến hoạt động vận tải khách trong dịp Tết?
Ông Nguyễn Hữu Quế: Quốc lộ 14 đoạn từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh đã xuống cấp và hư hỏng nặng, gây cản trở và ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông của phương tiện; theo phản ảnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, để phương tiện chạy hết hành trình tuyến thì phải mất đến khoảng 13-14 giờ, chậm hơn thông lệ khoảng 3 giờ; các doanh nghiệp rất khó trong việc quay đầu xe để giải tỏa khách...
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Giao thông-Vận tải thông qua Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai đã kiến nghị với Bộ Giao thông-Vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ thực hiện vá lấp, vuốt nối mặt đường để tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông, nâng cao tốc độ vận hành trên tuyến, đồng thời cho phép các phương tiện điều chỉnh lộ trình để tránh các đoạn đường xấu, chưa được sửa chữa. Đến nay, với sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đoạn tuyến quốc lộ 14 nêu trên cơ bản đã được khắc phục, đảm bảo giao thông êm thuận, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động xây dựng kế hoạch vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Lê Lan