Sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng như trường học, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, các khu vực sản xuất và nơi làm việc, trong nhà... kết quả thu được khá khả quan. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc cấm thì cứ cấm, còn chuyện hút vẫn cứ hút…
Khói thuốc vẫn bay...
Khói thuốc lá vẫn bay (ảnh minh họa) |
Tại Bến xe Đức Long Gia Lai, dù là trước cổng, trong nhà chờ hay trong bãi đậu xe, thậm chí là ngay trong quầy bán vé, khói thuốc vẫn bay một cách “vô tư”. Khi được hỏi, nhiều người trả lời do thói quen hút thuốc lá từ lâu nên rất khó bỏ. Anh Đặng Văn Tiến- một hành khách cho biết: “Tôi hút thuốc lá từ hồi sinh viên, mấy năm trước, mỗi ngày tôi hút 2 gói, nay thì đã ít hơn, ngày khoảng mươi mười lăm điếu. Nhưng bỏ hẳn thì cũng khó”.
Tại khu vực khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chúng tôi vẫn bắt gặp những người say sưa nhả khói. Anh P.V.T. (nhân vật yêu cầu giấu tên- N.V), phân trần: “Tôi đưa người nhà đến bệnh viện khám bệnh, trong khi ngồi chờ thì hút vài điếu cho đỡ sốt ruột thôi”. Bác sĩ Mai Xuân Hải- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã triển khai rất nhiều biện pháp cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng kết quả thu được vẫn hạn chế. Khi bảo vệ của bệnh viện phát hiện người hút thuốc trong khu vực cấm nhắc nhở, thì người ta lại ra chỗ khác hút, không thể kiểm soát hết được.
Nguy cơ mắc bệnh cao
Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hàng năm có khoảng hơn 5 triệu người chết do hút thuốc lá. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2010 cho thấy 47,4% nam giới hút thuốc và mỗi năm, thuốc lá giết 40.000 người, trong đó có khoảng 15.000 người mắc bệnh ung thư phổi mới và có 14.000 người tử vong. Con số này gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư. Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Theo Chương trình phòng- chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế, gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh khác ở nước ta! Chỉ tính riêng 3 căn bệnh do khói thuốc (phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và nhồi máu cơ tim) thì chi phí y tế đã “ngốn” hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, hiện nay, để hạn chế tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, các cấp, các ngành phải quyết liệt thực hiện theo tinh thần Quyết định số 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1307/UBND-VX của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung kế hoạch thực hiện phòng- chống tác hại của thuốc lá, đồng thời xem xét đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức…
Thái Bình