(GLO)- Sau 3 năm triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp-nông thôn (NN-NT), trên địa bàn tỉnh, đã có 24 tổ chức tín dụng ưu tiên vốn cho khu vực này khi doanh số cho vay lên tới 44.000 tỷ đồng, với 903.023 lượt khách hàng vay vốn. Đây là kết quả đáng khích lệ khi chính sách tín dụng dành cho NN-NT đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.
Vào vụ thu hoạch. Ảnh: K.N.B |
Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực NN-NT. Việc triển khai thực hiện chính sách này trong 3 năm qua đã thực sự khơi thông dòng chảy tín dụng về khu vực NN-NT. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, hộ nông dân, hộ nghèo khu vực nông thôn được tiếp thêm nguồn lực tài chính, phát huy vai trò tự chủ của kinh tế hộ để cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, nền sản xuất nông nghiệp dần phát triển theo hướng hàng hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế NN-NT và hình thành các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung.
Thông qua hoạt động đầu tư vốn, các ngân hàng đã chú trọng cho vay chi phí sản xuất nông-lâm nghiệp, cho vay sản xuất công nghiệp-thương mại-dịch vụ phi nông nghiệp và cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn, cho vay hộ gia đình, hộ kinh tế trang trại-ngành nghề nông thôn và các chương trình, dự án chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, ngành, cây trồng, vật nuôi... Doanh số cho vay trong 3 năm (2010-2013) đã đạt 44.000 tỷ đồng, với 903.023 lượt khách hàng. Doanh số thu nợ đạt 34.548 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 14.670 tỷ đồng, mỗi lượt vay vốn đạt 48,7 triệu đồng.
Ngành Ngân hàng đã cho vay xây dựng thí điểm nông thôn mới 45 xã của 17 huyện, thị xã, thành phố (mỗi đơn vị 2 xã, riêng huyện Kbang là 13 xã) với dư nợ là 1.894 tỷ đồng, chiếm 42% dư nợ cho vay nông thôn mới toàn tỉnh, bình quân mỗi xã được vay 42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cho vay nông thôn mới các xã còn lại trong tỉnh là 2.651 tỷ đồng, chiếm 58% dư nợ cho vay nông thôn mới toàn tỉnh. |
Thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP cho thấy: Nếu như cuối tháng 8-2010, dư nợ tín dụng đối với nông dân trong khu vực NN-NT đạt 6.955 tỷ đồng, chiếm 34,2%/tổng dư nợ thì đến tháng 8-2013, dư nợ lĩnh vực này là 16.407 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần và chiếm tỷ trọng 49,5%/tổng dư nợ cho vay. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nông dân trong khu vực NN-NT bình quân hàng năm là 33,1%. Mặt khác, từ 191.493 khách hàng (trong đó có 1.068 doanh nghiệp) còn dư nợ cuối tháng 8-2010 thì đến 31-8-2013, đã là 214.757 khách hàng còn dư nợ, tăng 23.264 khách hàng, tỷ lệ tăng 12,1%.
Chất lượng tín dụng ở khu vực này được đánh giá khá tốt khi nợ xấu qua các năm có xu hướng giảm dần. Nếu như thời điểm 2010, nợ xấu là 302 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3% dư nợ NN-NT thì đến năm 2013, nợ xấu còn 151 tỷ đồng, chiếm 0,9%. Song song với việc tăng trưởng dư nợ tín dụng và khách hàng thì số tổ chức tín dụng tham gia đầu tư lĩnh vực NN-NT cũng gia tăng. Thời điểm năm 2010, chỉ có 18 đơn vị dành vốn cho vay NN-NT, đến nay đã có 24/24 đơn vị thực hiện cho vay theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, đơn vị giữ vai trò nòng cốt trong lĩnh vực NN-NT vẫn là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, với tỷ trọng cho vay lên đến 97% và Ngân hàng Chính sách Xã hội với tỷ trọng cho vay là 74,9%.
Trong giai đoạn hiện nay, đầu tư tín dụng phát triển NN-NT mang nhiều ý nghĩa hơn khi gắn với việc phát huy thế mạnh, tiềm năng về sản xuất nông nghiệp của địa phương, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bởi đây là một nguồn lực quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, mang lại lợi ích chính đáng cho NN-NT và nông dân.
Theo nhận định của ngành Ngân hàng, nhu cầu vay vốn lĩnh vực NN-NT còn rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng chưa đảm bảo, không có tài sản thế chấp hoặc nếu có thì tài sản giá trị nhỏ, khó phát mãi để thu hồi nợ; các món vay nhỏ lẻ, lượng khách hàng lớn và trải rộng khắp các xã trên địa bàn... Trong khi nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực NN-NT chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn được huy động tại chỗ và vốn điều chuyển từ cấp trên, nguồn vốn trung và dài hạn rất hạn chế thì nhu cầu vốn để trồng mới, chăm sóc hàng năm cho các loại cây công nghiệp dài ngày rất lớn, mà vốn tự có đối ứng trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình lại rất ít. Mặt khác, tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực này tại một số ngân hàng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của đơn vị...
Sơn Ca