(GLO)- Nhiều chính sách, giải pháp của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đã được các ngân hàng thực thi bằng hành động cụ thể. Mặc dù bước đầu hiệu quả còn chưa cao, song đã phần nào thể hiện việc chung tay góp sức cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Đến nay, các ngân hàng thương mại đã chủ động rà soát, đánh giá khả năng trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng. Toàn ngành đã điều chỉnh kỳ hạn nợ và gia hạn nợ cho 55 doanh nghiệp với dư nợ gần 1.000 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1-3%/năm so đầu năm, góp phần hỗ trợ tích cực, giảm gánh nặng về lãi vay cho doanh nghiệp. Hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn áp dụng lãi suất cho vay dài hạn ở mức 17-19%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn 14-15%, riêng lĩnh vực cho vay sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu lãi suất là 12%/năm.
Đặc biệt, 4 nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế đã được áp dụng lãi suất tối đa 13%/năm. Đến cuối tháng 6-2012, các ngân hàng đã cho vay 783 tỷ đồng, dư nợ 670 tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ, với 2.177 khách hàng (190 doanh nghiệp). Trong đó, dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn là 350 tỷ đồng, dư nợ thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu 2 tỷ đồng; dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 347 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều gói kích thích vay vốn được các ngân hàng tung ra, kèm với điều kiện và lãi suất ưu đãi.
Những giải pháp cụ thể đã giúp doanh nghiệp phần nào vượt qua được khó khăn. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn không dễ với nhiều doanh nghiệp. Do tác động tình hình kinh tế khó khăn chung nên hàng tồn kho cao, sản xuất kinh doanh không thuận lợi. Các khoản nợ vay cũ còn tồn đọng lớn, chưa giải quyết được, trong khi đó tài sản của doanh nghiệp gần như đã thế chấp hết cho ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Phương-Giám đốc Vietcombank Gia Lai, không ngân hàng nào có thể từ chối cho vay, tuy nhiên điều kiện của doanh nghiệp đó có đáp ứng được hay không, về tài sản đảm bảo, tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh mục đích vay vốn. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu làm ẩu sẽ gặp rủi ro hoặc nếu không cho vay đồng nghĩa với lợi nhuận kinh doanh giảm. Do đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ phải trên cơ sở đảm bảo an toàn và hiệu quả cho toàn hệ thống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ: Đây là lúc doanh nghiệp cần ngân hàng chia sẻ nhất. Mục tiêu đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% cần được ngành ngân hàng triển khai sớm, để giúp doanh nghiệp vực dậy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ việc hạ lãi suất, cơ cấu thời hạn nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn… 5 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, chỉ mới phát sinh trong tháng 6, do đó ngành ngân hàng cần tích cực giải ngân để đạt mục tiêu tăng trưởng. |
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Đức Hòa-Phó Giám đốc BIDV Gia Lai cho biết, ngân hàng lúc này không chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tự đưa mình đi vào thế bế tắc. BIDV Gia Lai đã giải quyết khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng trước mắt chưa trả được nợ. Cụ thể đã cơ cấu lại nợ cho 24 doanh nghiệp với dư nợ 788 tỷ đồng, đồng thời tiến hành giảm lãi suất với mức thấp nhất là 12%/năm. Với chủ trương đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới mức 15%/năm từ ngày 15-7, ông Hòa cho biết việc này sẽ có một độ trễ nhất định, bởi vì chu kỳ huy động vốn có thời điểm lãi suất cao đã đẩy lãi suất cho vay cao. Do đó, khi lãi suất hạ những khoản vay này có hạ nhưng vẫn nằm mức khá cao.
Một khó khăn nữa là ngoài những lĩnh vực được khống chế lãi suất, các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất thỏa thuận với khách hàng. Khi nguồn vốn huy động không đáp ứng được dư nợ cho vay buộc phải điều chuyển vốn từ ngân hàng thương mại trung ương về với mức phí cao, điều này kéo lãi suất cho vay cao theo.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai, nợ xấu toàn ngành đang có chiều hướng gia tăng, hiện chiếm 1,73% tổng dư nợ, tăng 0,04% so cùng kỳ năm trước, tăng 0,48% so cuối năm 2011. Theo ông Điền Hoàng-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tổng dư nợ trong 6 tháng đầu năm đạt 28.241 tỷ đồng (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,8% so cuối năm 2011). Đây là mức tăng trưởng mạnh so với cả nước (0,33%). Toàn ngành phấn đấu đến cuối năm tăng trưởng dư nợ sẽ đạt thêm 10%. Ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nên phải hạ lãi suất để cho vay. Do vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ gắn với mục tiêu đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm, và áp dụng lãi suất vay mới với mức thấp 13% đến 15%/năm.
Thảo Nguyên