Đợt ngập lụt “lịch sử” từ TP.Đà Nẵng mới đây sẽ còn là vấn đề thời sự đối với mọi đô thị. Còn chuyện gì các thành phố sẽ phải đối diện tiếp theo, ngoài chuyện mùa mưa nước lội bì bõm và mùa nắng gay gắt vì thiếu cây xanh? Đây cũng là lúc cần những khoảng thở... để đô thị hồi phục được đặt ra.
Trồng nhiều cây hơn để góp phần thiết lập một môi trường sống lành mạnh. Ảnh: V.A |
Thương tổn
Quảng Nam đang trong giai đoạn “háo hức” xây dựng đô thị. Kỳ vọng một đô thị loại I từ Tam Kỳ theo hướng mở rộng không gian ra các phía, với câu chuyện tính toán sáp nhập 3 địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành. Hẳn một đô thị “tầm vóc” là điều người dân nào cũng mong muốn, bởi một khi lên hạng đô thị cũng đồng nghĩa với các tiêu chí từ cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giáo dục y tế... được nâng cấp theo chuẩn của đô thị loại I.
Nhưng hãy xem các nhà nghiên cứu trên lĩnh vực xây dựng nhận định về thách thức của đô thị Quảng Nam, trước tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là điều tác động đến định hướng phát triển đô thị mang tính bền vũng.
“Địa hình đa dạng, đặc biệt là hệ thống sông ngòi đã tạo ra không chỉ các tuyến giao thông mà còn tạo ra các tuyến du lịch đường sông với các sản phẩm đặc trưng, là tiền đề để hình thành và phát triển các đô thị ven sông. Tuy nhiên, các đô thị và các điểm dân cư nông thôn Quảng Nam chịu tác động lớn và là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi các điều kiện tự nhiên đặc thù này.
Đặc biệt, các đô thị động lực của tỉnh như Hội An, Điện Bàn, Ái Nghĩa ở phía Bắc; Thăng Bình, Duy Xuyên ở vùng giữa và Tam Kỳ, Núi Thành ở phía Nam đều tập trung tại khu vực ven biển, hạ lưu của các con sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò và sông Tam Kỳ.
Phát triển kinh tế và đô thị dựa vào lợi thế sông, biển chắc chắn cũng có những ảnh hưởng nhất định và rất cần các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
Giải pháp nào để tránh những tác động xấu khi phát triển ở lưu vực sông và có thể giảm tải áp lực cho các đô thị? Song song đó, đô thị Quảng Nam cũng đang đối mặt với những vấn đề lớn như môi trường nước ở một số đô thị đã bị ô nhiễm, tình trạng ngập úng đô thị trong mưa chưa thể khắc phục nguồn nước cấp cho đô thị ngày càng khan hiếm, chất lượng nước cấp, quản lý và xử lý chất thải chưa đảm bảo...” - nghiên cứu từ Sở Xây dựng.
Làm lành với tự nhiên
Ngay sau đêm ngập lụt “lịch sử” của TP.Đà Nẵng, Jang Kều (Phạm Thị Hương Giang) - nhà sáng lập dự án cộng đồng nổi tiếng “Nhà chống lũ” và “Sống Foundation” - cũng là một Quỹ cộng đồng với rất nhiều dự án bảo vệ thiên nhiên, có những chia sẻ gần như là hiện trạng của hầu hết đô thị Việt Nam bấy giờ.
“Đó là vấn đề quy hoạch với tình trạng bê tông hóa quá mức ở các đô thị Việt Nam, rất nhiều ao hồ, công viên đã bị lấn chiếm, biến thành các công trình xây dựng. Dọc ven biển thì bị bao phủ bởi các resort, khách sạn cũng là những khối bê tông chặn đường thoát nước.
Quanh khu vực ao, hồ, sông… cũng dày đặc nhà ống, đường ven sông, ven hồ, ven kênh luôn “được” lát đá, lát gạch kín mít! Hệ thống thoát nước trên đường hầu hết chỉ tính toán cho thoát nước bề mặt đường chứ không phải thoát lũ khi mưa lớn, trong khi xung quanh toàn các công trình bê tông, nước không thoát được đi đâu chỉ tràn ra đường. Nhà ở thì 4 phía lát gạch, đá, không có một khoảng hở cho đất để thẩm thấu bớt nước khi mưa lớn…”.
Trong cuộc trò chuyện cách đây không lâu với ông Phan Xuân Anh - người tổ chức dự án trồng 1 triệu cây xanh, trong đó có các địa phương của Quảng Nam, chúng tôi cứ ám ảnh ý tứ “làm lành” với tự nhiên từ dự án của ông. |
Ông nói, nguồn sống này khởi đi từ những ngọn cỏ, gốc cây. Chúng ta biết trả ơn thiên nhiên như thế nào đây, ngoài chuyện trồng lại cây xanh? Trồng một cái cây, là bắt đầu một sự sống để tiếp thêm những nguồn năng lượng để thiết lập môi trường sống lành mạnh.
“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc vận động người dân trồng cây. Không chỉ với cư dân địa phương mà cả chính quyền nữa. Họ nói thay vì để tôi trồng cây mất mấy mươi năm, cho chúng tôi cái nhà, cho chúng tôi ăn, thiết thực hơn. Cho cái cây chúng tôi trồng biết bao nhiêu năm mới ra? Nhưng chúng tôi kiên trì giải thích và kiên quyết từ chối hỗ trợ như họ đề xuất. Muốn thoát khỏi những hiểm họa môi trường, thì chỉ có trồng cây.
Tôi thích điều này, dù bạn quan tâm đến vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, hay xóa đói giảm nghèo, hoặc đơn giản chỉ là muốn có một sân chơi cho trẻ em... thì “trồng một cây” luôn là một giải pháp thích hợp, rẻ tiền và hiệu quả. Cây cối quyết định sự sống còn của mọi sự sống phụ thuộc vào ôxy trên trái đất” - ông Phan Xuân Anh nói.
Trở lại với định hướng mở rộng không gian đô thị của Quảng Nam, có lẽ đã đến lúc câu chuyện quy hoạch không chỉ để phục vụ phát triển kinh tế. Theo đó xa hơn cần thiết phải tính toán những khoảng thở cho đô thị - đồng nghĩa với những khoảng đất trống nơi cây xanh được quyền sinh trưởng tự do, những mặt hồ nước được tồn tại để giảm sức nóng mỗi mùa hè gay gắt... “Phục hồi rừng tự nhiên, trồng nhiều cây hơn và tăng diện tích... thở cho đất” là những kêu gọi thiết thực để “làm lành” với tự nhiên.
https://baoquangnam.vn/xa-hoi/khoang-tho-cho-dat-133769.html
Theo XUÂN HIỀN (QNO)