(GLO)- Dù không phải là tổ chức tín dụng nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn công khai hoạt động dưới các hình thức cho vay tiêu dùng, cho vay cầm cố, cho vay đáo hạn ngân hàng…
Đủ kiểu cho vay
Hiện nay, dọc các con đường lớn nhỏ, từ thành thị đến nông thôn, nhan nhản tờ quảng cáo dán trên cột điện, trụ đèn với đầy đủ thông tin về dịch vụ và số điện thoại của các chủ dịch vụ “tín dụng đen”. Chỉ cần liên hệ là người vay sẽ được tư vấn về cách thức vay-trả một cách nhiệt tình. Thậm chí nếu món vay nhỏ chỉ cần hẹn đến một địa điểm nào đó với đầy đủ yêu cầu về thủ tục là có thể trao tiền ngay, không cần thời gian để thẩm định. Phương châm cho vay đơn giản, nhanh gọn, nhưng “tín dụng đen” khiến không ít người vay lâm vào cảnh nợ chồng nợ, lãi chồng lãi vì lãi suất cao ngất ngưởng.
Tranh minh họa |
Chỉ quảng cáo trên các trang rao vặt, phát tờ rơi tận nhà, đi đến từng sạp hàng trong chợ tiếp cận, thậm chí là nhắn tin giới thiệu qua điện thoại… nhưng lượng người vay biết đến loại hình này ngày càng nhiều. Một người cho vay cho biết: Người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu là đã có thể vay tiền mặt mức tối đa được 70 triệu đồng. Tùy mức độ tín nhiệm, lãi suất áp dụng sẽ khác nhau. Nếu khách hàng đang làm việc tại một doanh nghiệp nào đó sẽ được vay qua bảng lương, vay qua bảo hiểm với lãi suất ưu đãi hơn.
Qua tìm hiểu, mức lãi suất các “chủ nợ” áp dụng hiện không dưới 35%/năm, có những nơi cho vay đến 72%/năm, tùy vào thủ tục, mức độ quen biết và uy tín của người đi vay. Đó là chưa kể đến những loại hình vay tiền ngày, tiền nóng lãi suất còn cao gấp nhiều lần. Nhiều khoản vay, tiền trả lãi 2-3 tháng cộng lại đã ngang bằng với tiền gốc. Trên thực tế, không ít người cho rằng, khi cần số tiền không lớn và trong thời gian ngắn họ rất ngại đến ngân hàng vay vì nhiều thủ tục, thay vào đó chỉ cần liên hệ dịch vụ này là có ngay “tiền tươi”.
Theo quy định, trường hợp lãi suất cho vay gấp 10 lần lãi suất ngân hàng và có tính chất chuyên bóc lột sẽ bị khởi tố về tội “cho vay nặng lãi”. |
Mới chỉ dẹp được phần… hình thức
Trước tình hình loại hình “tín dụng đen” đang có chiều hướng phát triển mạnh và có biểu hiện vi phạm pháp luật như treo biển quảng cáo có các nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đã phối hợp với các lực lượng Công an, Thuế, Quản lý Thị trường, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch kiểm tra một số tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Những cửa hiệu cầm đồ không phải là tổ chức tín dụng, nhưng lại quảng cáo, thực hiện các hoạt động như ngân hàng là vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Đặc biệt, điều này còn tiềm ẩn nguy cơ cho vay nặng lãi, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện và buộc tháo gỡ biển hiệu, pano quảng cáo của 4 điểm dịch vụ (TP. Pleiku 2 điểm, huyện Ia Grai 2 điểm) vi phạm các nội dung, như: cho vay đáo hạn ngân hàng, dịch vụ tín dụng tín chấp, cho vay tiền ngày… Đồng thời, đã bóc gỡ các tờ quảng cáo được dán trên cột điện, tủ điện ở nhiều tuyến phố với nội dung quảng cáo về hỗ trợ vốn vay, cho vay tiêu dùng…
Trên thực tế, việc tháo gỡ biển hiệu quảng cáo chỉ là phần hình thức bởi tấm biển quảng cáo đã được tháo xuống nhưng hoạt động cho vay của những nơi này vẫn diễn ra bình thường. Có thể thấy, hoạt động “tín dụng đen” đã tồn tại từ lâu và len lỏi trong đời sống hàng ngày, phát sinh từ việc người cho vay đứng ra huy động vốn từ nhiều người với lãi suất thấp, rồi đem cho vay lại với lãi suất cao hơn nhằm hưởng tiền chênh lệch. Người vay cần tiền nhưng vì không muốn hoặc vì lý do gì đó không được tiếp cận nguồn tín dụng chính thống từ các tổ chức tín dụng đành phải chấp nhận vay ngoài.
Thảo Nguyên