(GLO)- Rất nhiều hộ dân TP. Pleiku hy vọng được sử dụng nước hợp vệ sinh khi Nhà máy nước Biển Hồ công suất 30.000 m3 chính thức phát nước thương mại vào cuối tháng 4-2015. Thế nhưng, câu hỏi khi nào nguồn nước trên đến được với người dân thật không dễ trả lời…
Đang lưu thông trên đường, chị Cao Thị Thanh Dầu bất chợt dừng xe hỏi nhóm người đang đứng xem cột nước trắng xóa bung ra từ miệng ống dẫn nước đặt tại đoạn võng của đường Chu Mạnh Trinh, phường Hội Phú: “Nước máy phải không các anh? Em đang làm nhà tại đoạn đầu dốc con đường này nên thấy nước máy mừng lắm. Khi nào chính thức cung cấp nước cho dân sử dụng? Nếu cấp nước sớm em khỏi phải đào giếng mất mấy chục triệu đồng”. Ngược con dốc đường Chu Mạnh Trinh, nhà ở của dân san sát, các chủ hộ đều chung câu hỏi khi nào có nước máy để dùng.
Nhà máy nước Biển Hồ đã đưa nước về đến đường Chu Mạnh Trinh. Ảnh: Q.V |
Đâu chỉ có người dân đường Chu Mạnh Trinh, mà theo thống kê của các đơn vị cấp nước, hiện vẫn còn gần 60% hộ dân trên địa bàn TP. Pleiku bức xúc vì chưa có nguồn nước do nhà máy nước cung cấp để sử dụng. Đầu năm 2014, Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku khởi công xây dựng mới Nhà máy nước Biển Hồ, công suất 30.000 m3/ngày đêm và chính thức phát nước thương mại vào cuối tháng 4-2015 nhưng hiện chưa phát huy được công suất thiết kế. Lý giải thực trạng trên, lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku cho biết: Ngày 14-4-2015, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai và Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku thống nhất 13 vị trí đấu nối đưa nguồn nước từ Nhà máy nước Biển Hồ vào hệ thống cấp nước hiện có của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai. Trước mắt, Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku sẽ đấu nối 3 vị trí Đ1 (trước phân xưởng nước Biển Hồ); D4.1 (tại vị trí đường Trần Văn Bình-Đặng Văn Ngữ) và điểm Đ5 (tại ngã tư Cầu sắt đường Cách Mạng Tháng Tám với đường Tôn Thất Tùng).
Đến thời điểm này đã hoàn thành 2 điểm đấu nối Đ1 và Đ5. Theo đó, điểm đấu nối Đ5 sẽ cung cấp nước sinh hoạt 24/24 giờ cho người dân ở khu vực đường Tôn Thất Tùng, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và đường Cách Mạng Tháng Tám. Tuy nhiên đến thời điểm này, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai vẫn chưa đồng ý mở van tiếp nhận nước bán sỉ dù ngày 30-6-2015, lãnh đạo 2 Công ty đã tiến hành nghiệm thu điểm đấu nối này. Riêng điểm đấu nối Đ1 đã mở van tiếp nước liên tục 24/24 với khối lượng nước tiếp nhận trên 4.000 m3/ngày đêm, nhưng chỉ duy trì được hai ngày (6 và 7-6-2015).
Từ ngày 8-6-2015 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai chỉ tiếp nhận nước từ 8 giờ đến 17 giờ với khối lượng nước tiếp nhận khoảng 2.000 m3/ngày đêm. Lý giải việc giảm thời gian tiếp nước tại điểm Đ1, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai viện dẫn lý do hệ thống đường ống cấp nước khu vực này được đầu tư từ những năm 1980, hiện nay đã xuống cấp, tỷ lệ thất thoát nước cao và căn cứ theo nhu cầu dùng nước thực tế của các hộ dân đang sử dụng nước tại khu vực trên.
Liên quan đến việc tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Biển Hồ do Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku đầu tư cũng cần nhắc lại Hợp đồng mua bán sỉ nước sạch số 01/SGPL-HĐBS ký kết ngày 25-2-2014 giữa Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai và Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku. Theo hợp đồng này, khối lượng nước bán sỉ năm thứ 1 (tính từ thời điểm Nhà máy nước Biển Hồ đưa vào vận hành) là 10.000 m3/ngày và lũy kế tăng dần vào những năm tiếp theo đến khi đạt mức 30.000 m3/ngày.
Đối chiếu thỏa thuận này vào thực tế khối lượng nước Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai tiếp nhận tại điểm Đ1 chỉ mới bằng 1/5 thỏa thuận tại hợp đồng. Từ thực tế tiếp nhận nguồn nước trên, có thể nói nguyện vọng được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh của người dân thành phố sẽ khó thành hiện thực nếu nút thắt tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Biển Hồ hòa vào hệ thống dẫn nước của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai chưa được giải quyết.
Quang Văn