Là huyện xa nhất của tỉnh, với diện tích tự nhiên hơn 1.628,14 km2, dân số khoảng 72.253 người (trong đó 68% là đồng bào dân tộc thiểu số), vì vậy, công tác dân vận luôn được Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể huyện Krông Pa đặc biệt quan tâm, coi đây là cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong những năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy Krông Pa đã bám sát nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác dân vận từ huyện đến cơ sở. Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác vận động quần chúng, góp phần đưa các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước vào cuộc sống.
|
Buổi phát động nhân dân từ bỏ “Tin lành Đê-ga” tại buôn Chai, xã Chư Drăng. Ảnh: Văn Vĩnh |
Là địa bàn có đại đa số dân cư là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt có 5 xã vùng khó khăn, vùng giáp ranh với tỉnh bạn, lợi dụng đời sống nhân dân còn khó khăn, nhận thức chưa cao, địa hình đồi núi phức tạp, bọn phản động thường hoạt động gây rối. Để nâng cao công tác dân vận, bóc gỡ tổ chức hoạt động “Tin lành Đê-ga”, các cấp, các ngành trong huyện phối hợp với lực lượng Công an đưa các đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân.
Mạng lưới làm công tác dân vận được tỏa ra tất cả thôn, buôn. Các trưởng thôn, già làng tích cực vận động quần chúng, trực tiếp cảm hóa từng gia đình, đối tượng. Trưởng thôn buôn Chai, xã Chư Drăng- Nay Drôh cho biết: “Trong thôn có 15 hộ theo “Tin lành Đê-ga”. Ngoài việc nắm bắt diễn biến hoạt động từng đối tượng, hàng ngày mình thường xuyên ghé thăm từng gia đình, khuyên giải không đi, không theo kẻ xấu. Đến nay, 15 hộ này đã cam kết từ bỏ không theo “Tin lành Đê-ga”. 567 hộ liên quan đến “Tin lành Đê-ga”, qua công tác vận động quần chúng đều đã cam kết từ bỏ.
Công tác “Dân vận khéo” cũng đã tạo ra sự gắn kết giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể với quần chúng nhân dân. Nhân dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế trang trại, nghề rừng, tận dụng khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Xã Đất Bằng là một điển hình trong thực hiện cuộc vận động thi đua sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Các xã: Chư Drăng, Ia Rsai, Phú Cần nhờ đẩy mạnh thâm canh, xen canh các cây hoa màu với cây ăn quả nên kinh tế khá phát triển.
Kết quả của công tác “Dân vận khéo” còn tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức của chính quyền, các đoàn thể, đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức hướng đến tinh thần phục vụ nhân dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đội ngũ cán bộ hình thành phong cách làm việc gần dân, sát dân, nêu cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua và thực hiện tốt các nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị.
Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Krông Pa cho biết: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. “Dân vận khéo” trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Trong thời gian tới, chúng tôi xác định tiếp tục phát huy một cách có hiệu quả hơn và ngày càng thiết thực hơn. Công tác dân vận. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.