Sáng 26-6, 300 đại biểu trong nước và quốc tế đến tham dự trực tiếp lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 36 tại Hà Nội. Cả chủ lẫn khách đều không cần phải đeo khẩu trang phòng dịch, thoải mái thưởng thức bài hát “ASEAN ca” ở phiên khai mạc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (ICC) Hà Nội chiều 26-6 - Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó phát biểu khai mạc hội nghị "trực tiếp" trước sự chứng kiến của các vị khách quốc tế ở đầu cầu Hà Nội và "trực tuyến" với những nhà lãnh đạo ASEAN, những người không thể đến Việt Nam vì tình hình dịch bệnh ở nước nhà.
Quang cảnh hội nghị đông đúc tại Hà Nội khác xa so với cảnh đìu hiu của cuộc bỏ phiếu các chức danh quan trọng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 17-6. Vì phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19, tại cuộc bỏ phiếu này chỉ có hai người điều hành, đại diện từng nước thành viên đến bỏ phiếu rồi phải rời đi để cho đại biểu nước kế tiếp vào bỏ phiếu...!
Tổ chức một cuộc họp đông người "trực tiếp" và "trực tuyến" trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với đại dịch chính là một thành công trong việc quảng bá một điểm đến an toàn đến cộng đồng quốc tế.
Kiểm soát dịch bệnh và hồi phục kinh tế sau dịch, nước nào trong ASEAN cũng đều muốn. Và Việt Nam, với lợi thế thành công chống dịch, đã chủ động chia sẻ với các nước thành viên trong khối về cách ứng phó với đại dịch.
Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã đưa ra được ba sáng kiến nổi bật bao gồm việc thành lập quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, lập kho dự trữ vật tư y tế và hoàn thiện bộ quy trình và quy chuẩn ASEAN để ứng phó các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng.
Tờ Straits Times của Singapore ngày 26-6 nhận xét hội nghị lần này sẽ cho thấy vai trò của Việt Nam trong việc đảm bảo sẽ không có quốc gia nào bị bỏ lại trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc là một hình mẫu của thế giới về kiểm soát thành công COVID-19 chính là cơ hội quý báu để chúng ta quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước và những thành tựu phát triển mọi mặt của Việt Nam, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy thương mại, tăng cường liên kết phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Việc tổ chức Hội nghị cấp cao 36 thể hiện sự chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong việc kịp thời điều chỉnh và áp dụng họp trực tuyến để ASEAN không gián đoạn các hoạt động của khối. Có thể nói, Việt Nam đã hoàn thành 6 tháng đầu nhiệm kỳ thành công khi phát huy được vai trò trách nhiệm và sự dẫn dắt khu vực trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như kinh nghiệm phòng chống dịch.
Trong 6 tháng còn lại, khi ASEAN đặt trọng tâm nhiệm vụ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh và xây dựng các kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế, Việt Nam, nhờ lợi thế đi trước, tiếp tục được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò đầu tàu của mình để ghi dấu một năm chủ tịch ASEAN có một không hai trong lịch sử của khối.
Theo QUÝNH TRUNG (TTO)