Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII diễn ra từ ngày 21-5 đến 21-6, tập trung bàn về các vấn đề lập pháp và kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Hôm nay, ngày 21-5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII chính thức được khai mạc vào 9h sáng tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
Kỳ họp thứ 3 diễn ra từ ngày 21-5 đến 21-6. |
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2012.
Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua 13 dự án luật, 7 Nghị quyết của Quốc hội, 6 dự án luật.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét các vấn đề kinh tế, xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng như Báo cáo ngân sách Nhà nước năm 2011; Báo cáo triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012; Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính - ngân sách của quốc hội về việc bổ sung 4 dự án vào Danh mục các dự án, công trình được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015.
Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nghiên cứu và cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN… Quốc hội sẽ tăng số lượng các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp với 15 phiên.
Ngoài các phiên khai mạc, bế mạc, chất vấn, kỳ họp còn truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận về kinh tế- xã hội và các dự luật được nhiều người quan tâm. Thời gian trình bày tại hội trường cũng sẽ được rút ngắn, sắp xếp thời gian hợp lý hơn giữa thảo luận ở tổ và ở hội trường.
Liên quan đến Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội, trong kỳ họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là đề xuất cải tiến, đổi mới về tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hàng năm.
Theo Chinhphu.vn