Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm nội dung quan trọng được đề cập trong Chương trình nghị sự của kỳ họp lần này.
Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, bổ sung ngân sách địa phương năm 2011.
Kỳ họp lần này sẽ thảo luận và thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết, gồm Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật khoáng sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cho ý kiến về 09 dự án luật: Luật kiểm toán độc lập; Luật khiếu nại; Luật tố cáo; Luật đo lường; Luật phòng, chống mua bán người; Luật lưu trữ; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật Thủ đô.
Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ bảy; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.
Ngoài ra, các đại biểu sẽ xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ và các ngành Tòa án, Kiểm sát về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác thi hành án, đặc xá, phòng, ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh; các báo cáo về việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; về kết thúc thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; về hoạt động của Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin); về cho nước ngoài thuê, liên doanh trồng rừng ở khu vực biên giới và một số báo cáo chuyên đề khác.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội sẽ góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Ngay trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng và xúc động gửi lời chia sẻ của Quốc hội đối với những mất mát, đau thương về người và tài sản do thiên tai gây ra và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn tại các tỉnh miền Trung; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó, phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả, giảm thiểu thiệt hại.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ đồng bào miền Trung bị 2 cơn lũ tàn phá liên tiếp cả về vật chất và tinh thần để nhân dân những vùng bị thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Trong phiên khai mạc sáng nay 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011.
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, cho biết đã nhận được 1.275 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, bày tỏ quan tâm tới các vấn đề về xây dựng Nhà nước, xây dựng pháp luật; sản xuất và đời sống của nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; cải cách hành chính và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Cuối buổi sáng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2010; phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011.
Theo Ủy ban Kinh tế bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế- xã hội nước ta vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải được phân tích thấu đáo và có biện pháp cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến cho những năm tiếp theo. Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo.
Các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động bởi một số chính sách cụ thể; quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng bộc lộ rõ sự bất cập, chưa thay đổi kịp với chuyển biến của nền kinh tế thị trường; cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán và quản lý tài chính nội bộ doanh nghiệp còn kém hiệu quả...
Ủy ban Kinh tế đề nghị năm 2011 cần tiếp tục tập trung xây dựng nền tảng cho ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đồng thời phải quan tâm giải quyết những vấn đề trung và dài hạn liên quan đến cả mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và thể chế kinh tế.