Sáng 2-3, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3. Hội nghị có sự tham gia của 151 nhà thơ, nhà văn đến từ 41 quốc gia trên thế giới.
Ông Vũ Ngọc Hoàng-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định: Văn học Việt Nam là nền văn học thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, gắn bó với số phận con người, góp phần hoàn thiện con người và đạo đức xã hội; là nền văn học xả thân vì vận mệnh của Tổ quốc, mang khát vọng độc lập tự do và hạnh phúc con người… Đồng thời cũng là nền văn học được cộng hưởng tinh hoa của các dân tộc anh em, thống nhất trong đa dạng văn hóa. Việc chủ động hội nhập văn học được coi như nguyên tắc của sự phát triển và không bị gián đoạn, ngay cả trong thời kì chiến tranh.
Sau mỗi kỳ hội nghị, số tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được dịch ra thế giới ngày càng nhiều, từ các tác phẩm của những tên tuổi lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… cho đến những nhà văn, nhà thơ đương đại như: Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê… được giới thiệu tại Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp… Với hi vọng là đối tác giao lưu văn hóa trên tinh thần bình đẳng và thân thiện, Việt Nam luôn mong muốn hiểu biết thế giới và cũng có nhu cầu quảng bá để thế giới biết đến Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Thông qua văn học, chúng tôi hiểu được nền văn hóa của các bạn, lưu giữ và chuyển hóa nó, làm phong phú thêm nền văn hóa và văn học của đất nước chúng tôi. Nói theo ngôn ngữ kinh tế, chúng tôi đã nhập siêu văn học của các quốc gia trên thế giới. Còn xuất đi thì rất hạn chế, thiếu chủ động và thiếu chọn lọc. Chúng tôi quan niệm rằng một nền văn hóa dân tộc chỉ có thể hoàn thiện trong quá trình tiếp biến với các nền văn hóa khác. Con đường ngắn nhất, bền vững nhất là con đường từ trái tim đến với trái tim".
Theo VOV