(GLO)- Chiều cuối năm, chúng tôi vô tình bắt gặp đoàn khách nước ngoài đang nối hàng dài đi thăm quan và mua sắm tại Trung tâm thương mại TP. Pleiku. Thoạt nhìn, họ chỉ là những vị khách đã lớn tuổi, có vóc dáng cao to, lạ lẫm nhưng khi tiếp cận rồi chuyện trò, chúng tôi mới cảm nhận được sự gần gũi và ấm áp từ họ-những con người chọn cách du xuân đến miền đất khách để được gần gũi hơn với bao mảnh đời côi cút, bất hạnh.
Đoàn FVSO chụp ảnh lưu niệm với các em nhỏ tại Cô nhi Sao Mai. Ảnh: Hồng Thi |
Những tấm lòng thiện nguyện
Gần 4 năm qua, cái tên FVSO (Friends of Vinh Son Orphanage-tạm dịch là “Những người bạn của trẻ em mồ côi Vinh Sơn”), dường như đã quá quen thuộc với các em nhỏ tại mái ấm Vinh Sơn (Kon Tum) và Cô nhi Sao Mai (TP. Pleiku).
Họ gồm 20 người, hầu hết đến từ Bang California của Mỹ. Khi được hỏi về tên gọi FVSO, ông William (tên thường gọi là Bill), một thành viên của đoàn cho biết: Ngoài tôi, đoàn có một vài người là cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Trong một lần về thăm lại chiến trường xưa vào năm 2008, chúng tôi có đến thăm mái ấm Vinh Sơn ở Kon Tum, thấy thương các em nhỏ và quyết định sẽ làm điều gì đó cho chúng. Quay về nước, kêu gọi thêm một số người bạn, chúng tôi thống nhất hỗ trợ trẻ em ở đây về vấn đề nha khoa. Cũng trong năm ấy, chúng tôi quay trở lại và thử nghiệm ở tại mái ấm Vinh Sơn 1, sau đó mới nhân rộng ra các cơ sở còn lại của Vinh Sơn và cả Cô nhi Sao Mai, TP. Pleiku-Gia Lai. Hàng năm cứ tới dịp hè là chúng tôi lại đến Việt Nam, giúp cho trẻ mồ côi nơi đây được khám và chăm sóc răng miệng. Vì xuất phát điểm ban đầu là từ mái ấm Vinh Sơn nên cả nhóm quyết định đặt tên đoàn như thế.
Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về chương trình từ thiện này của FVSO, chị Nguyễn Thị Thiện, nhân viên điều hành của Pleiku Taxi, người đã đồng hành cùng hoạt động này từ khi vừa mới diễn ra, chia sẻ thêm: “Đoàn FVSO hỗ trợ về mặt tài chính và nhờ chúng tôi triển khai giúp họ. Theo đó, chúng tôi đã kết hợp với phòng nha Hưng Dũng để chăm sóc răng miệng cho các cháu. Chi phí khám cũng được phòng nha giảm 30%. Cứ sau hè, chúng tôi đưa các cháu ở mái ấm Vinh Sơn tập trung về TP. Pleiku với các cháu ở Cô nhi Sao Mai cùng đi khám”.
Thành viên của đoàn rất thân thiện và gần gũi với trẻ em bất hạnh nơi đây. Ảnh: Hồng Thi |
Trong chuyến du xuân này, ngoài mục đích trải nghiệm và thưởng thức Tết Việt, mục đích quan trọng nhất của đoàn FVSO là đến thăm, tặng quà Tết cho trẻ em bất hạnh tại mái ấm Vinh Sơn 1 và Cô nhi Sao Mai. Có chứng kiến những cái ôm siết chặt, những cử chỉ thân mật, gần gũi, những nụ cười mãn nguyện lúc vui đùa cùng các em nhỏ tại Cô nhi Sao Mai, chúng tôi mới thấu hiểu được hết tình cảm thân thương mà họ dành cho những mảnh đời kém may mắn nơi đất Việt.
Trong số họ, có người đã bước qua tuổi 90, da nhăn nheo, tóc bạc trắng, nhưng khi trải lòng cùng bọn trẻ, họ dường như quên đi cái tuổi “gần đất xa trời” của mình. Để rồi trên gương mặt của những vị khách Tây xa lạ vẫn có một điều gì đó rất đỗi gần gũi và thân tình.
Bà January tâm sự: “Đây là lần thứ ba tôi đến Việt Nam nhưng với Gia Lai là lần đầu tiên. Tôi yêu những đứa trẻ ở đây, bởi chúng không được may mắn như bao người khác. Tôi và mọi người muốn dành tình cảm của mình để sưởi ấm và an ủi các cháu, mong sao chúng sống vui hơn, quên đi mặc cảm bản thân. Chắc chắn sau này tôi sẽ trở lại đây thường xuyên và có thể là giúp dạy tiếng Anh cho các cháu”.
Pleiku-thành phố trữ tình, thân thiện
Đó là nhận xét của đoàn du khách FVSO khi đặt chân tới Phố núi Pleiku-Gia Lai. Trong chuyến đi dài 19 ngày của mình, đoàn đã có 5 ngày tham quan tại Campuchia và thời gian còn lại, họ quyết định du xuân tại đất nước Việt Nam. Sau khi nghỉ một đêm tại TP. Hồ Chí Minh, 1 ngày ở Kon Tum, chiếc xe du lịch của Công ty Hanoi Tourist đã đưa 20 du khách người Mỹ đến với Phố núi. Trong số những du khách ấy, có những người đã hơn 3 lần đến và “ăn Tết Việt”…
Du khách tham quan tại Trung tâm thương mại TP. Pleiku. Ảnh: Trần Dung |
Mặc dù từ Kon Tum qua Pleiku trời đã xế chiều nhưng mọi người trong đoàn vẫn háo hức được tham quan khu Trung tâm Thương mại Pleiku. Một vài cô chủ hàng hoa quả, hàng giày dép hay hàng thực phẩm… nhìn những người khách lạ thì cười và vẫy tay “hello” một cách thân thiện. Ấn tượng của họ khi đặt chân đến phố núi Pleiku là bầu không khí trong lành, mát mẻ, cuộc sống cũng rất đỗi yên bình.
Sau khi say sưa ngắm những gian hàng thực phẩm sau chợ nào là gà, vịt, cá tôm, đậu xanh, đậu phộng… mọi người ồ lên thích thú vì cách bài trí và cách buôn bán đông vui ở đây. Bà Colleen (ở Auburn, bang California) thốt lên: “Con người nơi này rất thân thiện và tình cảm, lúc nào họ cũng cười. Đây là lần thứ 2 tôi tới với Pleiku nhưng lần trước (mồng 2 Tết âm lịch năm 2010-NV) tôi chưa có dịp vào tham quan khu chợ đông đúc và thú vị này. Chúng tôi đã chụp lại rất nhiều hình ảnh mà bên đất nước mình không có”. Chị Colleen cũng rất ấn tượng về ngày Tết cổ truyền của đất nước Việt Nam: “Tết của chúng tôi chỉ có một ngày thôi nhưng Tết của người Việt Nam kéo dài trong nhiều ngày với nhiều hoạt động văn hóa vui tươi. Cách trang trí nhà cửa ngày Tết thật ấm cúng, những con đường thì ngập tràn đủ loại hoa”.
Du khách thích thú với cách bán hàng vui vẻ của người Việt Nam. Ảnh: Trần Dung |
90 tuổi và đã 3 lần đến với Pleiku, ông Thomas (bang California) vẫn còn tỏ ra khá nhanh nhẹn chọn lối đi dễ dàng nhất cho đoàn khi vào trong Trung tâm thương mại Pleiku. Khí trời se se lạnh và những cơn gió thoang thoảng mùi đất của phố núi đã khiến ông rất thích thú. Sau khi cùng người bạn trong đoàn chọn được 2 chiếc khăn màu hồng xinh xắn để về làm quà cho các cháu, ông Thomas vui vẻ nói: “Tôi yêu Pleiku, đặc biệt là khu chợ này vì ở đây có rất nhiều điều thú vị. Lần trước tôi mua một ít bật lửa và lần này là hàng thổ cẩm. Mặc dù tuổi đã nhiều nhưng nếu có dịp, tôi vẫn muốn quay lại Pleiku để vui xuân tại đây”.
Không có nhiều thời gian để những du khách người Mỹ này có thể thăm thú hết những danh lam thắng cảnh của Phố núi cũng như tiếp xúc với các trẻ em mồ côi, bất hạnh nơi này. Thế nhưng ngần ấy có lẽ cũng đủ để họ cảm thấy chuyến du lịch của mình ấm áp hơn và ý nghĩa hơn.
Hồng Thi-Trần Dung