(GLO)- Kbang là một trong những huyện có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, không đăng ký giấy khai sinh… hàng năm ở mức khá cao của tỉnh. Vì vậy, những năm trở lại đây, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân luôn được huyện đặc biệt quan tâm, nhờ vậy nên số trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật đã giảm đi đáng kể qua các năm.
Toàn huyện Kbang có khoảng 15.000 hộ với hơn 65.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%; là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nên sự hiểu biết của người dân về pháp luật còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ tư pháp huyện trực tiếp hướng dẫn bà con các vấn đề về công tác hộ tịch. Ảnh: Hoàng Oanh |
Trao đổi với chúng tôi, bà Y Thắng-Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Kbang cho biết: Để giúp bà con nông dân hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật, ngay từ đầu năm Phòng đã tăng cường thực hiện các đợt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện tuyên truyền, giải đáp thắc mắc cho bà con về những quy định mới của pháp luật… từ đó hướng dẫn bà con chủ động thực hiện các quy định của pháp luật nhằm hạn chế thấp nhất những trường hợp vi phạm do không hiểu biết gây ra.
Theo đó, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PHPBGDPL) huyện Kbang đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền bằng miệng tại 14 xã, thị trấn, mà ở đó các tuyên truyền viên của các phòng ban trực tiếp trình bày, hướng dẫn những văn bản pháp luật mới, được người dân quan tâm hiện nay như: Luật Đất đai, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Giao thông Đường bộ… Cùng với đó, Phòng đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ Tư pháp của các xã, thị trấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, thích ứng với từng trình độ dân trí của người dân để truyền đạt một cách hiệu quả.
Đặc biệt, tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, với nhận thức thấp cho nên việc tiếp cận thông tin pháp luật chậm. Vì vậy, Phòng Tư pháp huyện đã phân công mỗi cán bộ phụ trách từng lĩnh vực cụ thể để hiểu rõ và truyền đạt, hướng dẫn cho người dân một cách sâu sắc và kịp thời những văn bản pháp luật.
Người dân đã tập trung từ rất sớm để theo dõi buổi tuyên truyền. Ảnh: Hoàng Oanh |
Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã cung cấp 668.000 cuốn tài liệu tuyên truyền pháp luật đến với người dân, cung cấp sách pháp luật cho các tủ sách thuộc Chương trình 135 trên địa bàn huyện. Đã thực hiện tuyên truyền miệng 16 đợt cho hơn 4 ngàn lượt người nghe, in ấn hơn 250 bộ tài liệu có nội dung truyên truyền pháp luật cho các thôn, làng; phát 700 tờ rơi pháp luật cho nhân dân. Các nội dung tuyên truyền được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, tạo điều kiện để bà con tiếp thu một cách thuận lợi.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các tổ hòa giải đã tổ chức hòa giải thành 1.961/2.398 vụ việc, đạt 82%.
Bà Đinh Thị Trath, ở làng Lợk, xã Đak Hlơ, huyện Kbang, cho biết: “Nhờ được cán bộ của huyện xuống tận làng mình để tuyên truyền cho bà con những kiến thức về pháp luật, bây giờ bà con mình đã biết phải đủ tuổi mới được lấy vợ, lấy chồng, không được kết hôn cùng huyết thống, phải làm giấy khai sinh cho con mình…”. Tương tự, bà Đinh Thị Loan, ở làng Mờ Tôn, xã Kông Lơng Khơng phấn khởi cho biết: “Qua buổi lắng nghe cán bộ huyện nói, đã giúp tôi hiểu biết hơn về các quy định của pháp luật, không cho con mình lấy chồng sớm nữa, con cháu không được lấy nhau…”.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật trong thời gian tới, theo bà Y Thắng thì cần có sự nỗ lực hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đội ngũ làm công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở. Công tác tuyên truyền pháp luật đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi thiếu thông tin pháp luật.
Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Trợ giúp Pháp lý lưu động tỉnh Gia Lai tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp tuyên truyền pháp luật đến bà con nhân dân tại các làng, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện-bà Thắng nói thêm.
Hoàng Oanh