(GLO)- Triển khai phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, thời gian qua, Huyện Đoàn Kbang luôn chú trọng đến công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đồng thời tạo điều kiện giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất. Qua đây đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao do ĐVTN làm chủ.
Vườn ươm giống cây trồng của anh Bùi Văn Nam (chi đoàn thôn 5, xã Nghĩa An, huyện Kbang) là một trong những mô hình sản xuất đang được đặt nhiều kỳ vọng. Năm nay 30 tuổi và có nhiều kinh nghiệm với nghề nông, anh Nam nhận thấy bà con nông dân trên địa bàn có nhu cầu khá lớn về giống cây trồng, tuy nhiên thường phải tìm mua ở các địa phương khác như An Khê, Pleiku… giá thành cao mà có lúc chất lượng không tương xứng. Gần 1 năm trước, anh mạnh dạn đề nghị Đoàn Thanh niên xã Nghĩa An tạo điều kiện vay hơn 320 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện và Quỹ Hỗ trợ nông dân. Số tiền này kết hợp với nguồn lực gia đình, anh đầu tư xây dựng vườn ươm giống cây trồng mang tên “Nam Gia Lai” tại thôn 5, xã Nghĩa An.
Đoàn viên thanh niên huyện Kbang tham gia chương trình tiếp sức mùa thi. Ảnh: H.D |
Vườn ươm giống cây trồng của anh Nam có diện tích khoảng 4 sào với các loại cây rau màu như: ớt, cà chua, cà ngọt, bắp sú, súp lơ… và một số loài hoa, chủ yếu trồng theo mùa. Vườn ươm được thực hiện phần lớn bằng phương pháp thủ công từ khâu xuống giống đến chăm sóc; kết hợp sử dụng hạt giống và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học nhằm tạo ra những cây giống đảm bảo chất lượng nhất. Chính vì vậy, anh Nam rất tự tin về những cây giống do mình làm ra. “Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mình nghiêng về dòng sinh học, nó có đắt hơn một chút, hiệu quả ít hơn nhưng sức đề kháng của cây sẽ tốt hơn, đảm bảo đến khi xuất vườn thì tỷ lệ cây giống sạch bệnh gần như là cao nhất”-anh Nam cho biết.
Ngoài vườn ươm giống cây trồng của anh Bùi Văn Nam, hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang còn có khá nhiều mô hình sản xuất hiệu quả của ĐVTN như: mô hình nuôi thỏ ở xã Kông Lơng Khơng; mô hình nuôi trùn quế, nuôi heo, vịt của đoàn viên xã Đak Hlơ, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Nguyễn Tuấn An-Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đak Hlơ, cho rằng: Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã giúp ĐVTN mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những xu hướng sản xuất kinh doanh mới để vươn lên làm giàu. Từ quy mô nhỏ, các ĐVTN đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển mô hình trang trại lớn. Hiện các trang trại này đang tạo ra nguồn thu nhập rất lớn cho gia đình ĐVTN”.
Còn chị Nguyễn Thị Thu Nhi-Bí thư Huyện Đoàn Kbang, cho biết: “Nếu như năm 2012, toàn huyện chỉ có 2 đơn vị xã được nhận ủy thác vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thì đến nay đã có 7 đơn vị xã được nhận ủy thác vốn; nâng tổng vốn từ 12 tỷ đồng năm 2012 lên 41 tỷ đồng hiện nay với hơn 1.000 ĐVTN được vay để đầu tư phát triển kinh tế. Rất nhiều thanh niên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn này để đầu tư phát triển sản xuất. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh đã mang lại hiệu quả rất cao, giải quyết việc làm cho ĐVTN trên địa bàn, qua đó giúp họ vươn lên thoát nghèo và làm giàu”.
Hà Duyệt