Indonesia tăng cường bảo vệ Natuna trước thềm phán quyết của PCA

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Indonesia tăng cường khai thác khí đốt, dầu mỏ, triển khai ngư dân, xây cảng, đường băng ở quần đảo Natuna, đề phòng Trung Quốc thôn tính quần đảo này trước thềm Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
 

Tàu hải quân Indonesia trong một lần “đụng độ” với tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Natuna hồi tháng 6-2016.
Tàu hải quân Indonesia trong một lần “đụng độ” với tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Natuna hồi tháng 6-2016.

Tòa trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) sẽ công bố phán quyết vào lúc 11 giờ sáng 12-7 (16 giờ theo giờ Việt Nam) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, theo AFP.

Vào năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA, phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông. Nhưng Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố phớt lờ phán quyết của toà, cho rằng PCA không có quyền tài phán.

Chính quyền Indonesia cho biết nước này không có tranh chấp lãnh thổ nào với Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng chưa thách thức tuyên bố chủ quyền với Indonesia tại quần đảo Natuna, nhưng lại ngang ngược bảo nước này có quyền đánh bắt trong vùng biển quanh Natuna, theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 10-7.

Cũng giống như các nước ở Đông Nam Á, Indonesia đang tăng cường hiện diện kinh tế và quân sự giữa lúc Trung Quốc gia tăng hoạt động bành trướng ở Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn The Wall Street Journal, Chuẩn đô đốc Achmad Taufiqoerrochman, chỉ huy Hạm đội miền Tây của Hải quân Indonesia tuyên bố nhiều tàu cá Trung Quốc xuất hiện quanh quần đảo Natuna kể từ tháng 3-2016, và đánh bắt cá chỉ là cái cớ để Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại đây trước thềm PCA ra phán quyết.

Để bảo vệ Natuna, Indonesia thời gian gần đây đưa thêm nhiều ngư dân ra quần đảo này, xây cảng và đường băng.

 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải, phía trước) trên tàu chiến ra thăm quần đảo Natuna hồi tháng 6-2016, khẳng định chủ quyền của Indonesia tại đây.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải, phía trước) trên tàu chiến ra thăm quần đảo Natuna hồi tháng 6-2016, khẳng định chủ quyền của Indonesia tại đây.

Ngoài ra, việc tăng cường khai thác dầu mỏ và khí đốt sẽ giúp Indonesia củng cố tuyên bố chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh quần đảo Natuna, giữa lúc Bắc Kinh lăm le thôn tính quần đảo này.

“Chỉ có 5 trong số 16 mỏ dầu và khí đốt quanh Natuna đang được khai thác”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu trước nội các hồi tháng 6, đồng thời bày tỏ kỳ vọng sớm hoàn tất thăm dò và đưa vào khai thác các mỏ còn lại.

Sở hữu các tài nguyên kinh tế trong khu vực này cũng sẽ giúp Indonesia có quyền tăng cường tuần tra ở vùng biển quanh Natuna bằng các tàu tuần duyên hay tàu hải quân, ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm.

Hồi tháng 4-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tuyên bố Jakarta sẽ triển khai chiến đấu cơ F-16 đến quần đảo Natuna để ngăn chặn “những kẻ trộm cắp” sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đụng độ tàu Indonesia trước đó.

Indonesia cũng sẽ triển khai lính thủy đánh bộ, các đơn vị đặc nhiệm không quân, một tiểu đoàn, ba tàu khu trục nhỏ, cùng một hệ thống radar mới và các máy bay không người lái đến quần đảo Natuna, theo ông Ryacudu.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.