Ia Pa: Hiệu quả từ chuyển đổi đất lúa sang trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán thường xuyên xảy ra, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Pa đã mạnh dạn chuyển diện tích lúa nước một vụ sang trồng mía và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2016, mô hình cánh đồng mía mẫu lớn trên đất lúa một vụ được huyện Ia Pa triển khai đầu tiên tại xã Chư Mố, diện tích 24,6 ha với 35 hộ tham gia. Theo đánh giá bước đầu trên một số diện tích mía đã thu hoạch thì năng suất đạt khá cao, trung bình 90-100 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng mía theo mô hình mới này thu lợi từ 25 triệu đồng đến 40 triệu đồng/ha. Ông Ra Lan Ký-thôn Hbriu 2, xã Chư Mố, một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình chuyển đổi, cho biết: “Tôi làm tổ trưởng ở đây gồm 7 hộ. Qua một năm thu hoạch thì thấy lợi nhuận từ cây mía cao hơn nhiều so với cây lúa. Bởi việc trồng lúa địa phương trước đây năng suất 1 sào được khoảng 3-3,5 tạ, sau khi trừ chi phí cày, bừa, giống, phân bón, công chăm sóc thì không lời bao nhiêu, chủ yếu lúa dùng làm lương thực cho gia đình. Thậm chí những năm gần đây đất canh tác bị hạn hán mất mùa là người dân bỏ hoang hết”.

 

Cây mía là một trông những cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Ia Pa, giúp người dân có thu nhập cao và ổn định. Ảnh: L.N
Cây mía là một trông những cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Ia Pa, giúp người dân có thu nhập cao và ổn định. Ảnh: L.N

Thấy được hiệu quả nên niên vụ 2016-2017, hơn 100 hộ dân trên địa bàn xã Chư Mố tiếp tục dồn điền, đổi thửa và chuyển đổi 85 ha lúa một vụ sang trồng mía. Ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết thêm: “Đây thực sự là chủ trương rất đúng đắn và phù hợp với địa phương. Hiệu quả của việc chuyển đổi cây mía đã mang lại lợi nhuận cao hơn so với cây lúa một vụ và cây mì. Ngoài ra, cây mía rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân địa phương, góp phần sản xuất ổn định trước biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn thời gian tới các ngành cũng như nhà máy đường quan tâm và có những kế hoạch nhân rộng mô hình giúp bà con chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Đây là mô hình mà các hộ tham gia đều được Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Rô-cán bộ kỹ thuật, Phòng Nông nghiệp (Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai) cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số thường có diện tích đất nhỏ lẻ, do đó muốn thực hiện mô hình phải thực hiện gom lại tối thiểu là 5 ha để tiện cho việc trồng, chăm sóc, thu hoạch bằng cơ giới hóa. Đối với những hộ dân là người dân tộc thiểu số tham gia mô hình, Công ty có một số chính sách hỗ trợ. Cụ thể, ai có đất tham gia được hỗ trợ chuyển đổi 2 triệu đồng không hoàn lại; cho 20 tấn bã bùn để cải tạo đất; bảo hiểm lợi nhuận 8 triệu đồng/ha khi chuyển đổi; hỗ trợ 100% vốn đầu tư (cày đất, giống, phân bón, trồng); chi phí hoàn trả lại cho Công ty được chia đều cho 3 năm. Ngoài ra, vào thời điểm giáp hạt, Công ty sẽ cho người dân ứng tiền để mua gạo… Hay người dân có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị tưới nước cho cây mía thì Công ty cũng hỗ trợ kinh phí năm đầu tiên không tính lãi.

Tính đến thời điểm này, người dân huyện Ia Pa đã chuyển được khoảng 400 ha lúa nước một vụ sang trồng mía. Cụ thể, cánh đồng xã Chư Mố vụ Đông Xuân 2015-2016 người dân chỉ làm hơn 24 ha thì vụ Đông Xuân năm nay có hơn 100 hộ dân đã chuyển 85 ha lúa một vụ sang trồng mía. Tại cánh đồng xã Ia Kdăm, vụ Đông Xuân 2015-2016 người dân chủ động chuyển 70 ha sang trồng cây mía, đến vụ Đông Xuân 2016-2017 diện tích chuyển đổi đã tăng lên thành hơn 120 ha…

Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho biết thêm: “Cây mía hiện là một trong những cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của huyện, phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng và cho thu nhập cao, ổn định. Việc chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang cây mía và hình thành cánh đồng mẫu lớn là chủ trương của huyện. Huyện cũng đã làm việc với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai để có những chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, dồn điền đổi thửa”.

Theo ông Hùng, trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp… nhưng nay người dân đã biết tự liên kết với nhau, dồn điền đổi thửa để chuyển qua trồng mía. Điều này cho thấy trình độ người dân đã được nâng lên, sản xuất mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích. Trước đây, mỗi ha lúa một vụ sản xuất trong điều kiện khí hậu thuận lợi thì người dân chỉ thu nhập được 2-3 triệu đồng, trong khi đó với mỗi ha mía mang lại thu nhập cho người dân từ 25 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, trước biến đổi khí hậu, thiếu nước và hạn hán thường xuyên xảy ra thì việc chuyển đổi cây trồng cũng là một trong những hướng đi đúng của huyện giúp người dân phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm