(GLO)- Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, tại địa bàn huyện Ia Grai đã có 22 vụ tự tử. Con số đáng báo động này cho thấy vấn nạn tự tử, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số, ngày càng trở nên nhức nhối, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội.
“Thích là chết”
13 giờ ngày 29-3-2017, tại Trung tâm Y tế huyện Ia Grai, bác sĩ Bùi Tấn Hùng cùng kíp trực nhanh chóng tiến hành hồi sức cấp cứu, bù nước, súc ruột, rửa dạ dày để cứu sống nạn nhân Ksor Sét, sinh năm 1982, trú tại làng Tăng, xã Ia O. Bác sĩ Hùng cho biết: “Sức khỏe bệnh nhân đang suy kiệt, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời”.
Một bệnh nhân tự tử bằng thuốc diệt cỏ vừa được cứu sống tại Trung tâm Y tế huyện Ia Grai. Ảnh: P.L |
Sau gần một giờ hồi sức cấp cứu, chị Ksor Sét đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn trong tình trạng người rét run, tím tái, các y-bác sĩ phải bật lò sưởi và theo dõi chặt chẽ. Hỏi về lý do sao vợ tự tử, anh Ksor Deo-chồng Ksor Sét-nói: “Mình không biết, nó thích thì nó uống thuốc thôi”. Khi các bác sĩ gặng hỏi thì Ksor Deo vò đầu mới bộc bạch: “Do mình hay uống rượu, vợ nói đừng uống nữa nhưng mình cũng muốn vui với anh em nên không nghe. Sáng nay, vợ mua 1 can rượu về uống một mình, đến trưa mình đi đón con, nó ở nhà lấy chai thuốc diệt cỏ ra uống, mình về đến nhà đã thấy anh em chở đi cấp cứu rồi”.
Trong những ngày này về làng Mayh, xã Ia Krái, cái làng nghèo xơ, nghèo xác, tôi lại càng thấm nỗi bi thương. Cuối tháng 2-2017, Siu Djết-một nam thanh niên trong làng, sau khi đi uống rượu say với bạn về, chẳng hiểu lý do gì mà ra vườn điều treo cổ tự tử. Siu Djết chết đi để lại niềm tiếc thương cho người thân và dân làng. Nhìn hình ảnh bà Sui H’Yăn (mẹ của Siu Djết) cứ chiều lại ngồi tựa cửa buồn lặng trong ngôi nhà tềnh toàng “thừa mưa, thừa nắng” nhưng thiếu bóng con trai thì ai cũng thấy xót xa.
Đâu là “thuốc giải”?
Theo thống kê, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Ia Grai đã xảy ra 22 vụ tự tử nhưng may mắn có 18 người được cứu sống; trong đó có 17 ca là người dân tộc thiểu số. Trong năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Ia Grai ghi nhận 64 ca tự tử bằng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu, đa số là người dân tộc thiểu số và nhiều nhất là ở các xã biên giới của huyện. Đây thật sự là “báo động đỏ”, bởi phần lớn số người tự tử đều nằm trong độ tuổi lao động chính. Những cái chết vô nghĩa đã kéo theo hệ lụy khôn lường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm phức tạp tình hình an ninh nông thôn.
Bác sĩ Lý Tiến Thành-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai bày tỏ: “Chúng tôi thật sự lo lắng vì số ca nhập viện về tự tử bằng thuốc diệt cỏ, thuốc sâu ngày càng tăng. Người dân tộc thiểu số thường có diễn biến tâm lý nhất thời, bộc phát, khi bức xúc, trong nhà sẵn có thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu là uống ngay chứ chưa có trường hợp nào tự đi mua thuốc về uống. Vậy nên bà con tuyệt đối không tích trữ thuốc bảo vệ thực vật trong nhà. Nếu mua thuốc mà chưa phun hết cho cây trồng thì nên cất ngoài rẫy. Nạn uống rượu không được kiểm soát ngày càng tràn lan trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử. Có đến 80% số vụ tự tử liên quan đến rượu”.
Những năm qua, các sở, ban ngành từ tỉnh đến huyện đã có rất nhiều động thái tích cực nhằm tìm giải pháp căn cơ ngăn chặn nạn tự tử nhưng xem ra vấn nạn này vẫn chưa được đẩy lùi. Nếu có sự vào cuộc quyết liệt hơn, cán bộ thôn, làng các tổ chức Đoàn, Hội cơ sở thật sự đi sâu, đi sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nhằm tuyên truyền vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để bà con biết quý mạng sống của mình thì số vụ tự tử sẽ được kéo giảm.
Phương Loan