Huyền sử Đê Chơ Gang-Kỳ 1: Đường tới chân trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngôi làng vỏn vẹn chỉ 13 hộ với hơn năm chục con người nhưng từ buổi bình minh lịch sử đã hướng về ngọn cờ tụ nghĩa Tây Sơn, hòa vào dòng chảy yêu nước của dân tộc. Trong đêm dài nô lệ, ngôi làng nhỏ bé ấy vẫn không khuất phục ách đô hộ của thực dân Pháp, để rồi khi có Đảng, tinh thần yêu nước lại cháy bùng lên. Mười tám năm ròng với lao tù, đạn bom và trăm ngàn kế truy bức hiểm độc, Mỹ-ngụy vẫn không thể khuất phục nổi… Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ)-ngôi làng nhỏ bé mà gan góc với những trái tim yêu nước sáng ngời như ngọc xứng đáng đi vào huyền sử với những lời tụng ca đẹp nhất.
Bok Nhạc, TLuk, TRi… là những cái tên được niệm về cùng với các “Yàng” trong các dịp lễ Sơmă Kcham, cúng rẫy, mừng lúa mới… Ít ai biết đó là một phần lịch sử của Đê Chơ Gang-một lịch sử truyền khẩu được lưu giữ bởi thế hệ cao niên như Đinh Chiêm, Đinh Klum… Câu chuyện của các cụ đã cho tôi một ý niệm nhất quán rằng: Tinh thần yêu nước của người Đê Chơ Gang đã được nhen nhóm từ buổi bình minh. Triết lý tồn vong của mỗi ngôi làng, mỗi con người trong lòng dân tộc đã vang lên một âm hưởng thiêng liêng trong suốt tiến trình đi tới của người Đê Chơ Gang từ buổi ấy…
Dưới bóng cờ tụ nghĩa
Cụ Đinh Klum kể rằng, theo lời ông bà truyền lại thì Đê Chơ Gang lúc lập làng chỉ có 13 nóc nhà. 13 nóc nhà mà chia thành 3 làng: Đê Chơ Gang lớn 7 hộ, Đê Chơ Gang nhỏ 4 hộ, còn 2 hộ thuộc “làng cùi”.
Vào một mùa rẫy không ai nhớ, bỗng có mấy người Kinh vào làng. Người lớn tuổi nhất nói tên mình là Nguyễn Nhạc. Ông đi buôn trầu và bảo dân làng vào rừng tìm trầu về đổi muối, đổi dao. Thấy ông lớn tuổi, người ta đều gọi ông là bok (bác) Nhạc. Lúc đầu cứ tưởng ông buôn trầu thật nhưng rồi càng ngày càng thấy nhiều người Kinh đến theo. Họ đắp một cái thành đất ở An Khê, dựng lên nhiều nhà cửa. Nguyễn Nhạc còn cho người đi sâu vào các làng trong Ya Hội, Yang Bắc bây giờ làm rẫy, nuôi trâu bò. Ông lại kết nghĩa anh em với 2 ông TLuk và TRi. Nguyễn Nhạc chia từ suối Mò O trở về Yang Bắc là do mình quản; từ Mò O tới HYan thuộc Ya Hội bây giờ là của 2 ông TLuk, TRi; thề với nhau rằng anh em có việc gì thì phải giúp đỡ. 
Cụ Đinh Klum. Ảnh: N.T
Cụ Đinh Klum. Ảnh: N.T
Bấy giờ, Nguyễn Nhạc mới nói mình đang chuẩn bị đi đánh ông vua tàn ác dưới xuôi. Yàng hiện ra trên núi Mò O giao cho ông việc đó. Nghe nói vậy, người ta đi xem rất đông. Dân làng Đê Chơ Gang cũng đi. Không thấy Yàng, chỉ thấy những vết đục trên lá cây thành chữ. Người ta đọc thấy những chữ “Nhạc vi vương, Huệ vi tướng, Lữ vi thần” rồi giải thích: Đó là trời sai ông Nhạc làm vua, ông Huệ làm tướng, ông Lữ làm thần. Các làng từ đó theo Nguyễn Nhạc càng đông. Họ ủng hộ trâu bò, lúa gạo, đi lính cho ông. Theo các làng, Đê Chơ Gang cũng người đi lính, người giúp đào hào, đắp thành. Làng trở thành nơi quân lính đứng chân. Cái giếng quân ông Nhạc dùng nấu cơm, lấy nước uống có tên là “Giếng Thủ Ngư” (bà Ngư, người cấp dưỡng cho nghĩa quân), vết tích nay vẫn còn…
Khi đem quân lính về xuôi, nhớ ơn Đê Chơ Gang, Nguyễn Nhạc cho làng 2 khẩu hỏa hổ để đuổi voi (hồi đó vùng này rừng rất nhiều voi). Lại dặn, nếu ông chết thì cúng giỗ nhưng năm nào được mùa hãy cúng; ai giàu thì góp, ai nghèo thì thôi…
Nguyễn Nhạc đi rồi, Đê Chơ Gang vẫn ngóng tin nhưng chỉ biết ông đã làm vua dưới xuôi. Nhiều mùa rẫy sau, nhờ bà Hầu (bà Yă Đố-vợ ba Nguyễn Nhạc) báo tin mới biết Nguyễn Nhạc đã mất. Làng Đê Chơ Gang thương tiếc đâm một con trâu để cúng. Những năm sau đó, theo lời ông, cứ năm nào được mùa làng lại tổ chức cúng giỗ. Lễ cúng diễn ra tại Đá bok Nhạc bên suối Chơ Ngao… Số là ngày ấy, đường Nguyễn Nhạc vào Đê Chơ Gang và các làng trong Kông Chro phải qua suối Chơ Ngao. Bên suối có một tảng đá rất bằng, hình dáng trông tựa chiếc ngai; lại có một cây vối, một cây bồ đề rất lớn, bóng tỏa rợp cả một khu rừng. Nguyễn Nhạc thường ngồi lên chiếc ngai đá này nghỉ chân nên dân làng gọi là “Đá bok Nhạc”. Lễ vật cúng ông thường là một con heo, bánh tráng, nhang đèn… y như tục lệ của người Kinh. Dịp này, 2 ông em kết nghĩa là TLuk, TRi cũng được cúng một con gà, một ghè rượu. “Ngày xưa, cứ xong lễ cúng, đêm khuya từ làng nhìn ra, người ta thấy các lùm cây quanh tảng đá bok Nhạc ngồi như phát sáng và văng vẳng tiếng reo hò. Là nơi linh thiêng, người Đê Chơ Gang không ai tới đây chặt cây, đốt rẫy. Suối Chơ Ngao bị lấp thành ruộng lúa, cây cối bị đốn là bởi người ở An Khê đó thôi”-cụ Đinh Klum nói.
Không sợ “diều Pháp”, không chịu bắt xâu
Cuộc sống cố hữu trôi qua không biết bao lâu rồi giặc Pháp đến.
Người Pháp là cả một thế giới mới lạ: da trắng, mắt xanh; biết làm ra cái nổ to hơn sấm sét, làm ra cái chạy trên đường khỏe hơn con voi, lại được Yàng cho con diều sắt bay trên trời. Nhưng người Pháp lại tàn ác. Pháp vào làng bắt người đi xâu. Ai chậm chạp, làm không hết sức là bị đánh. Nhiều người bị chết, què chân tay vì Pháp. Pháp còn bắt nộp trâu bò, lúa gạo cho nó. Làng Đê Krúi chống lại, Pháp cho diều đến ném xuống hòn đá nổ to hơn sấm sét. Nhà cháy, người chết, dân làng Đê Krúi phải trốn vào núi. Làng Bung sợ quá phải đâm trâu cúng để diều Pháp đừng đến thả đá. Các làng khác thấy thế cũng làm theo. Riêng Đê Chơ Gang không cúng. Ông Ding nói: “Biết có phải Yàng cho Pháp con diều hay không? Phải bắt nó xuống coi đã”.
Di tích Hòn đá Bok Nhạc. Ảnh: K.N.B
Di tích Hòn đá Bok Nhạc. Ảnh: internet
Ông Ding không vợ không con, không phải già làng nhưng bàn chuyện gì làng cũng theo. Ông bảo: “Diều sắt của Pháp thì cũng như con chim trên trời. Mình làm cái lưới giăng lên các ngọn cây cao, chờ diều Pháp đến thì giật, nó mắc vào cánh thì rụng xuống đất thôi”.
Nghe có lý, bao nhiêu đàn ông, con trai trong làng đều hăm hở lên núi chặt mây. Dưới sự chỉ bảo của ông Ding, người ta đan thành những tấm lưới rồi nhằm những cây cao nhất trong làng, trên đỉnh Kông Krúi giăng lên. Ai cũng hồi hộp mong diều Pháp đến. Chẳng phải đợi lâu, nó lại đến nữa. Nhởn nhơ như con quạ lúc ăn no, diều Pháp nghiêng ngó hết Kông Krúi lại sà xuống làng mà chẳng việc gì. Đứng dưới gốc cây ngó lên coi tại sao thì hóa ra… nó còn cách ngọn cây cả mấy tiếng hú!
Dù thua con diều Pháp nhưng ông Ding vẫn đầy hăng hái. Ông nói: “Một là chịu đi xâu, hai là đánh lại Pháp. Ai không muốn bắt đi xâu thì theo tôi”. Không ai muốn bị bắt đi xâu. Thanh niên, đàn ông đều theo ông Ding luyện nỏ. Không lâu sau đợt bắt xâu đầu, Pháp lại vào. Ông Ding hô mọi người đi phục. Nấp kỹ trong bụi, Pháp vào đúng tầm tên, tất cả nhất loạt bắn ra. Pháp hơi hoảng nhưng chỉ một thoáng chúng bắn lại. Ai nấy không chịu nổi phải chạy. Dân làng cũng phải chạy lên núi. Pháp vào được làng, chúng đi từng nhà đập tanh bành chiêng ghè rồi nổi lửa đốt làng. Ngồi trong núi trông về, lòng ai cũng đau như dao cắt.
Câu chuyện của cụ Đinh Klum tôi đồ diễn ra vào quãng 1920-1935. Đây là thời gian đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đứng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nơ Trang Lơng. Cùng với Đê Chơ Gang, các làng Bung, Mốc, Phay… phía Nam đường 19; các vùng Đê Ba, Su… phía Bắc đường 19 đã nổi dậy chống Pháp bắt xâu, thu thuế, gây cho chúng không ít thiệt hại. Việc dân làng Đê Chơ Gang cho máy bay Pháp là “con diều”, đan lưới mây để tìm cách bắt chúng, chính cụ A Mét-người lãnh đạo phong trào “Nước xu” chống Pháp ở làng Xốp Nghét (nay là xã Xốp, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum) cũng đã kể cho tôi nghe y vậy. Nhận thức của đồng bào bấy giờ thật thô sơ nhưng điều đó không ngăn cản được ý chí chống giặc ngoại xâm. Chính vì vậy, khi đến với cách mạng, ý chí yêu nước bất khuất đó càng được thổi bùng lên, trở thành ngọn lửa không gì dập tắt được. Thế nên, suốt 9 năm đánh Pháp, dù đã có trong “sổ đen”, dù có người bị tra tấn, tù đày không phải một mà hai lần, bị giặc theo dõi gắt gao, dân làng Đê Chơ Gang vẫn tìm mọi cách tiếp tế cho Việt Minh.
 NGỌC TẤN
-----------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.