(GLO)- Là một trong 5 huyện may mắn được chọn để triển khai Dự án giảm nghèo do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ, năm 2015, Kông Chro được đầu tư gần 2,9 tỷ đồng để triển khai các nhóm cải thiện sinh kế. Những mô hình này không chỉ tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân mà còn giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững.
Từ hỗ trợ kinh phí
Theo ông Trang Châu Khoa-Tư vấn sinh kế Dự án giảm nghèo huyện Kông Chro thì năm 2015 huyện Kông Chro được đầu tư gần 2,9 tỷ đồng để triển khai 14 tiểu dự án sinh kế (hay còn gọi là mô hình sinh kế) trên địa bàn 5 xã gồm: Chư Krey, An Trung, Đak Tơ Pang, Kông Yang và Đak Pơ Pho. Trong đó, có 5 nhóm trồng bắp lai, 4 nhóm nuôi bò, 4 nhóm cải tạo vườn hộ và 1 nhóm trồng mía với 180 hộ được thụ hưởng dự án.
Cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật trồng bắp lai. Ảnh: L.L |
Tùy từng mô hình mà mức hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn đối với nhóm trồng bắp lai (10 hộ/nhóm) mỗi hộ được đầu tư khoảng 4,3 triệu đồng bao gồm: tiền thuê máy cày, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tiền thuê giảng viên tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ tham gia. Tương tự, nhóm trồng mía cũng gồm 10 hộ/nhóm và được đầu tư giống như nhóm trồng bắp. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao và được cộng thêm chi phí vận chuyển thu hoạch mía nên mỗi hộ thuộc nhóm này được đầu tư khoảng 59,3 triệu đồng. Nhóm chăn nuôi bò sinh sản (10 hộ/nhóm) mỗi hộ được đầu tư khoảng 39 triệu đồng, bao gồm: thuê máy cày, giống cỏ, phân bón, vật liệu làm chuồng, con giống, thức ăn, mua vắc xin, tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ tham gia...
Riêng đối với nhóm cải tạo vườn hộ, số lượng hộ tham gia nhóm tăng lên 20 hộ/nhóm. Trong đó, mỗi hộ được đầu tư khoảng 2 triệu đồng, bao gồm tiền mua cây ăn trái, phân bón, tiền mua giống heo, mua vật liệu làm chuồng, mua thuốc vắc xin, tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ tham gia.
Đến nâng cao năng lực sản xuất
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn bắp mới nhú lên chừng 20 cm, bà Đinh Thị H’Len (làng Broch, xã An Trung)-một hộ tham gia nhóm trồng bắp lai phấn khởi cho biết: Bắp nhà mình mới gieo mà đã cao chừng này rồi, đó là nhờ công hướng dẫn của các cán bộ dự án. Cán bộ chỉ cho mình cách xem đất để gieo hạt phải có độ ẩm phù hợp, tức là đất phải không quá ướt, cũng không quá khô. Việc bón lót phân trước khi trồng cũng giúp cây bắp nhanh phát triển hơn. Cũng nhờ được tập huấn về kỹ thuật gieo trồng nên vườn bắp nhà mình lên đều, đẹp. Còn đối với anh Đinh Ngoơnh (làng Brò, xã An Trung) thì trước đây anh cũng như nhiều bà con trong làng thường nuôi bò thả rông, ít được ở trong chuồng trại và ăn cỏ tự nhiên nên dễ bị bệnh, bò gầy, lâu lớn. Nay nhờ tập huấn nên gia đình anh đã thay đổi tập quán chọn đất và địa điểm làm chuồng bò, trồng cỏ. “Vài bữa nữa nhận bò về mình sẽ cố gắng nuôi tốt theo đúng kỹ thuật mà các cán bộ đã chỉ, phải cho ăn, uống đầy đủ, khi đau phải kịp thời báo cho bác sĩ thú y…”-Đinh Ngoơnh nói.
Bên cạnh việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ tham gia thì việc tổ chức họp thôn để xác định nhu cầu về mô hình sinh kế của thôn cũng được đánh giá là một cách làm hay của dự án. Thông qua đó, việc triển khai dự án sẽ phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương, tránh được trường hợp áp đặt gây lãng phí, giảm hiệu quả của dự án.
Đặc biệt, việc triển khai các mô hình sinh kế được thực hiện theo quy trình “mở”, để các hộ tham gia tự quyết định. Cụ thể: sau khi được chọn vào nhóm thì các hộ tự họp nhóm và bầu ra trưởng nhóm. Các hộ sẽ tự quyết định triển khai các công việc tiếp theo như chuẩn bị đất đai, địa điểm để thực hiện các mô hình sinh kế; việc khảo sát, mua sắm vật tư… các hộ cũng đều tự làm. Tuy nhiên, mọi hoạt động trên phải chịu sự giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ của Ban Quản lý dự án huyện, Ban Phát triển xã, hướng dẫn viên cộng đồng, tư vấn sinh kế… Cách làm này sẽ giúp cho các hộ tham gia một cách chủ động và rút ra được những kinh nghiệm cần thiết để tiếp tục phát triển sinh kế bền vững kể cả khi dự án kết thúc.
Lê Lan