Huyện Kông Chro đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- So với cùng kỳ năm 2015, tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Kông Chro đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Để đạt được kết quả này, thời gian qua, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp sát với tình hình thực tiễn ở địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền

 

Tổ chức các hội thi về an toàn giao thông là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả. Ảnh: H.T
Tổ chức các hội thi về an toàn giao thông là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả. Ảnh: H.T
Thượng tá Đỗ Ngọc Hoan-Phó Trưởng Công an huyện: Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Kông Chro đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm 8 người chết và 5 người bị thương (giảm 1 vụ, 4 người chết và 2 người bị thương so với cùng kỳ năm 2015). Va chạm giao thông xảy ra 6 vụ, làm bị thương 8 người (không tăng không giảm so với cùng kỳ năm 2015), hư hỏng 6 xe mô tô. Các vụ tai nạn chủ yếu rơi vào từ tháng 1 đến tháng 6.

Theo ông Trần Biểu-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông huyện Kông Chro, trong năm 2016, UBND huyện Kông Chro đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông Đường bộ cũng như các văn bản của Chính phủ, tỉnh, huyện liên quan đến lĩnh vực này. Nội dung tuyên truyền tập trung phản ánh tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông và mối nguy hại của tai nạn giao thông trong đời sống xã hội.

Bên cạnh lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt định kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, huyện Kông Chro còn chú trọng tuyên truyền sâu rộng tại các khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn việc xây dựng “Văn hóa giao thông” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, việc tuyên truyền còn được đẩy mạnh thông qua tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi về an toàn giao thông trong trường học và giữa các ban ngành, đoàn thể của huyện.

Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, hình thức tuyên truyền được đổi mới đã bước đầu mang lại kết quả tích cực, điển hình là việc thực hiện và nhân rộng các mô hình “Tiếng loa giao thông”, “Làng tự quản về an toàn giao thông” ở tất cả 14 xã, thị trấn.

Thượng tá Đỗ Ngọc Hoan-Phó Trưởng Công an huyện Kông Chro cho biết: Tính đến thời điểm này, Công an huyện đã tổ chức tuyên truyền tại 106 thôn, làng, trường học với 10.036 lượt người tham dự. Xác định đối tượng vi phạm rơi nhiều vào thanh-thiếu niên nên chúng tôi tăng cường phối hợp với Huyện Đoàn tuyên truyền rộng rãi tại các thôn, làng bằng nhiều hình thức trực quan sinh động. Song song với thực hiện “Tiếng loa giao thông”, chúng tôi còn tập trung hoàn thiện mô hình “Làng tự quản về an toàn giao thông”, nâng cao trách nhiệm của già làng, trưởng thôn, Bí thư chi bộ, hộ gia đình trong việc giáo dục mọi người tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông. Nhờ đó, nhận thức của bà con đã được nâng lên.

Ngoài ra, trong năm, Công an huyện cũng đã phối hợp tổ chức cho 131 chủ phương tiện xe công nông, máy nông nghiệp ký cam kết không lưu thông trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị và gắn 190 biển phản quang cho xe công nông; yêu cầu cá nhân, tổ chức tham gia vận chuyển hàng hóa, hành khách thực hiện nghiêm túc quy định về tải trọng, không cơi nới thùng xe, chở quá tải, quá số người quy định.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

 

Mô hình làng tự quản gắn với các chốt chặn đã góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Ảnh: H.T
Mô hình làng tự quản gắn với các chốt chặn đã góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Ảnh: H.T

Trong công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, Công an huyện Kông Chro luôn huy động tối đa lực lượng, bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra.

Qua thống kê của Công an huyện Kông Chro, tính đến thời điểm này, lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự-Cơ động đã phát hiện 3.361 trường hợp vi phạm (tăng 47 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, tạm giữ 9 xe ô tô, 305 xe mô tô, 17 xe công nông, 1 xe máy kéo và 2.088 giấy tờ xe các loại, xử phạt tại chỗ 552 trường hợp; ra quyết định xử phạt hành chính 3.194 trường hợp với số tiền gần 927,9 triệu đồng (giảm 62,125 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước).

 

Từ năm 2013 đến năm 2016, tổng kinh phí cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Kông Chro là 349,6 triệu đồng. Cụ thể: Năm 2013 là 143 triệu đồng, năm 2014 là 45 triệu đồng, năm 2015 là 89,6 triệu đồng và năm 2016 là 72 triệu đồng. Nguồn kinh phí được bố trí hàng năm phù hợp, đảm bảo nhiệm vụ công tác đề ra.

Riêng các tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông đã tuần tra 304 buổi, phát hiện 854 trường hợp vi phạm, phạt 260 trường hợp với số tiền 60,835 triệu đồng, nhắc nhở 594 trường hợp. Các lỗi vi phạm phổ biến như: chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; chở quá số người quy định; uống bia, rượu tham gia giao thông; người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe; đi không đúng phần đường, làn đường…

Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông huyện Kông Chro Trần Biểu phân tích: “Từ nay đến cuối năm là thời gian vào mùa thu hoạch và vận chuyển nông sản nên phương tiện cũng như mật độ tham gia giao thông trên các trục đường của huyện sẽ tăng lên. Vì thế, huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt trong các ngày cao điểm và dịp lễ, Tết sắp đến nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra; đồng thời tập trung tuyên truyền, nhắc nhở các tài xế, chủ đại lý mía, mì chấp hành quy định về tải trọng”.

Cùng với đó, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội các cấp trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, thanh-thiếu niên tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chấp hành quy định của pháp luật về vấn đề này; đề cao vai trò của người đứng đầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; thành lập thêm cũng như kiện toàn các tổ tự quản an toàn giao thông; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học và thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô…

 

 Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm