Huyện Ia Grai: Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ia Grai là huyện nằm ở phía Tây tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có 13 đơn vị hành chính, gồm 12 xã và 1 thị trấn. Sau khi thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Chư Pah (năm 1996), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, khắc phục khó khăn, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong giai đoạn 2006-2010, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu cao độ của nhân dân, huyện Ia Grai đã đạt được những bước tiến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
Một góc thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Giác
Một góc thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Giác
Kinh tế của huyện có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,98%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 13,24 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,76% năm 2005 xuống còn 8,65% năm 2010 (theo tiêu chí cũ). Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2006-2010 đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với giai đoạn 2001-2005. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp điện, chế biến nông sản, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Tỷ trọng vốn tín dụng và vốn của nhân dân trong cơ cấu vốn đầu tư tăng hàng năm, hiệu quả đầu tư được nâng lên. Hoạt động tài chính, ngân hàng có nhiều tiến bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2006-2010 đạt gần 800 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách huyện theo phân cấp 220 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2001-2005; tổng chi ngân sách trong 5 năm gần 600 tỷ đồng, đảm bảo cho nhu cầu chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển, chi sự nghiệp y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội và tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh.
Cùng với đó, hoạt động thu hút đầu tư cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn huyện hình thành 3 nhà máy thủy điện với công suất 440 MW, 5 công trình thủy điện đang thi công, 3 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 27.000 tấn/năm. Đến nay, 100% xã có đường giao thông ô tô đi được đến tận thôn làng, 100% thôn làng có điện lưới quốc gia, hơn 96% số hộ sử dụng điện, trên 90% số hộ sử dụng nước sạch, 100% số xã có trạm y tế hoặc cơ sở khám-chữa bệnh, 100% trường học khu trung tâm xã và nhà ở giáo viên được xây dựng kiên cố, xóa 2.500 nhà tạm cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Mạng lưới viễn thông được đầu tư mở rộng với hơn 90 trạm thu phát sóng BTS phủ sóng trên khắp địa bàn huyện đã đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân.
Nhiều nông dân ở huyện Ia Grai giàu lên nhờ trồng cà phê. Ảnh: Huy Tịnh
Nhiều nông dân ở huyện Ia Grai giàu lên nhờ trồng cà phê. Ảnh: Huy Tịnh
Sự nghiệp giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, quy mô giáo dục tăng qua từng năm, đến năm 2010 toàn huyện có 46 đơn vị trường học (tăng 11 đơn vị so với năm 2005), với trên 22.000 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt trên 97%, bình quân 4 người dân có 1 người đi học. Cơ sở vật chất không ngừng được tăng cường và chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. 12/13 xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, phòng-chống dịch bệnh đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ sở khám-chữa bệnh được củng cố, tăng cường cả về vật chất và đội ngũ y-bác sĩ. Các chương trình quốc gia về y tế được triển khai có hiệu quả, số người mắc bệnh sốt rét, phong, bướu cổ giảm nhanh; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 25,2% (giảm 4,16% so với năm 2005). Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, bằng nhiều biện pháp đã hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,57% (giảm 0,1% so với năm 2005).
Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao tiếp tục được quan tâm. Chương trình đưa hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao hướng về cơ sở đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đến năm 2010, 47% thôn làng được công nhận văn hóa (tăng 16% so với năm 2005), 79% gia đình văn hóa (tăng 19% so với năm 2005). Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 87 đội cồng chiêng, bảo tồn 1.116 bộ cồng chiêng, đã đầu tư xây dựng 9 nhà văn hóa xã, 36 nhà rông và nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, làng.
Quốc phòng-an ninh được giữ vững và ổn định, công tác quân sự địa phương và bảo đảm an ninh trật tự được duy trì thường xuyên và xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Quân đội và Công an không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác huấn luyện, diễn tập tác chiến trị an được triển khai có kết quả. Hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, ngày 12-8-2011, Ia Grai được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.
Năm 2011 là năm đầu tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) trong bối cảnh có nhiều nhân tố thuận lợi đan xen với không ít khó khăn, thách thức. Phát huy thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Ia Grai nguyện đoàn kết một lòng, khai thác tiềm năng lợi thế để phấn đấu xây dựng Ia Grai giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng-an ninh, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện.
Trần Hưng (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện)

Có thể bạn quan tâm