Sau khi tham khảo một số bài báo và một số diễn đàn bàn luận về thực trạng các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn cả nước, trung tuần tháng 11-2011, chúng tôi có chuyến công tác tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh- huyện Đức Cơ. Những điều mắt thấy, tai nghe và cảm nhận đã mang lại cho chúng tôi cái nhìn khá lạc quan về vùng đất này.
Diện mạo mới
Khác với cảnh nhàu nhò bụi đỏ những năm 90 của thế kỷ trước, con đường từ Hàm Rồng (TP. Pleiku) lên cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nay đã được thảm nhựa phẳng lỳ. Chỉ non một giờ đồng hồ đi ô tô, chúng tôi đã có mặt ở thị trấn Chư Ty và cũng chỉ cần 15 phút sau đó cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã hiện ra trước mắt.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Duy Danh |
Từ khi Ban thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, Chư Ty không còn là thị trấn đơn độc giữa vùng biên giới xa xôi mà là một phần của Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Đức Cơ. Đây là khu kinh tế đặc thù với tổng diện tích tự nhiên 41.860 ha gồm các xã Ia Kla, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty, chiếm trên 50% dân số toàn huyện. Bên cạnh một thị trấn Chư Ty với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, khu vực cửa khẩu đã được đầu tư với số vốn 104,6 tỷ đồng xây dựng 25 hạng mục công trình, hiện có 22 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay, cơ quan chức năng đã giao đất cho 19 tổ chức và 169 hộ dân có nhu cầu sản xuất, kinh doanh và định cư tại đây. Từ khi công trình đường 78 (Campuchia) hoàn thành, việc giao thương giữa Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh- Đức Cơ và các tỉnh Đông Bắc Campuchia trở nên thuận lợi.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy- Hồ Xuân Long cho biết: Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, kinh tế của huyện nói chung, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh- Đức Cơ nói riêng có bước phát triển đáng ghi nhận. Đặc biệt, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tập trung đầu tư các nguồn lực để nơi đây trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh.
Để trở thành vùng kinh tế động lực
Nằm trong “tình hình chung” của nhiều khu kinh tế cửa khẩu dọc biên giới, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Đức Cơ tiếp giáp với khu vực kém phát triển của Campuchia. Do vậy việc giao thương giữa hai bên rất hạn chế, nếu không nói là yếu kém. Mặc dù đã là cửa khẩu quốc tế, nhưng trong gần 11 tháng của năm 2011, hàng xuất khẩu chỉ đạt giá trị 6,9 triệu USD, hàng nhập khẩu chỉ đạt khoảng 20,8 triệu USD.
Do giao thương kém sôi động, cơ hội sản xuất kinh doanh chưa rõ ràng nên việc thu hút đầu tư vào khu vực cửa khẩu gặp nhiều khó khăn. Số liệu của UBND huyện Đức Cơ cho biết: Trong số 19 tổ chức và 169 hộ dân được giao đất tại khu vực cửa khẩu thì chỉ có 5 tổ chức và 41 hộ dân tiến hành xây dựng công trình. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn đã đến khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng “một đi không trở lại”. Bên cạnh đó, nguồn lực kinh tế trong dân còn khá hạn chế nên khó phát triển ngành thương mại- dịch vụ.
Đồng thuận với đề nghị này, trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo huyện Đức Cơ, Bí thư Tỉnh ủy- Hà Sơn Nhin chỉ đạo: Huyện cần phối hợp với các sở ngành của tỉnh rà soát, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho áp dụng cơ chế đặc thù trong việc thu hút đầu tư tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…
Hy vọng với nội lực của huyện và sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh- Đức Cơ sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi khó khăn, trở thành khu vực kinh tế năng động của tỉnh và khu vực.