(GLO)- Trong những năm qua, huyện Đak Đoa đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhanh chóng ổn định và cải thiện cuộc sống, từng bước xóa dần khoảng cách giữa các vùng khó khăn và vùng thuận lợi, tạo sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên toàn huyện.
Huyện Đak Đoa hiện có 106/156 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 60.209 khẩu, chiếm 55,3% dân số toàn huyện. Trong đó, dân tộc Bahnar có 39.117 người, chiếm 35,9%; Jrai 20.617 người, chiếm 18,9%, còn lại 0,5% là đồng bào DTTS khác. Trong nhiều năm qua, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Nghề dệt thổ cẩm được duy trì và phát triển góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và mang lại việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Văn Thông |
Bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, từ năm 2010 đến nay, huyện Đak Đoa đã đầu tư xây dựng 97 công trình phục vụ sản xuất, 4.084 nhà ở dân cư, 212 công trình nước sinh hoạt; định canh-định cư cho 109 hộ đồng bào DTTS tại xã Đak Sơ Mei và xã Hà Đông. Về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, huyện đã cấp 266.941 kg giống, 134.484 cây, con giống các loại, 733.960 kg phân bón và giải quyết trên 121 ha đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo. Đồng thời, các cấp, các ngành liên quan đã triển khai thực hiện được 52 mô hình, trong đó có 36 mô hình trồng trọt, 16 mô hình chăn nuôi, tổ chức được 135 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 1.440 lượt nông dân người DTTS; phối hợp mở các lớp dạy nghề cho 6.429 lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho trên 7.921 lao động. Những việc làm này đã từng bước giúp cho các hộ dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Trao đổi với P.V, ông Lê Viết Phẩm-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết: “Huyện Đak Đoa đặc biệt quan tâm tới việc giúp đỡ đồng bào thay đổi nếp nghĩ cách làm, từ bỏ cách canh tác lạc hậu để chuyển sang sản xuất theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa. Nhờ đó mà bà con ở khắp các thôn làng hiện nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay thế dần các giống lúa địa phương bằng giống lúa mới cho năng suất cao hơn. Không chỉ vậy, bà con còn tích cực trong việc chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê,… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tập quán chăn nuôi cũ cũng dần được xóa bỏ, thay thế bằng chăn nuôi chuồng trại; người dân đã biết chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm vào mùa khô và biết cách phòng-chống bệnh dịch”.
Từ năm 2015 đến nay, huyện Đak Đoa đã thực hiện hỗ trợ cho 119 hộ nghèo thiếu đất sản xuất tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình. Với nguồn kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, huyện đã mua 160 con bò và 17 con heo giao cho các hộ chăm sóc. Trong những tháng đầu năm 2016, để giúp người dân ổn định đời sống, huyện đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 185 hộ với kinh phí 240,5 triệu đồng, duy tu bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt tập trung cho hơn 360 hộ hưởng lợi với kinh phí 150 triệu đồng.
Trong nhiều năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS của huyện Đak Đoa như giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế… đã được chú trọng đầu tư và phát triển. Đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Trong vòng 5 năm, toàn huyện đã có 5.030 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 31,49% năm 2011 giảm còn 12,98% cuối năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010. Cùng với việc xóa đói giảm nghèo, công tác giáo dục ở vùng đồng bào DTTS của huyện cũng có nhiều kết quả mong đợi khi số trẻ đến lớp ngày càng tăng. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng dần được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy.
“Những chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào DTTS đã mang lại những thành quả quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội, an ninh chính trị và quốc phòng. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, thuyết phục và đào tạo, tập huấn đã làm chuyển biến thực sự về nhận thức của đồng bào trong cách làm ăn, xây dựng nếp sống mới, giúp họ hiểu và hiểu đúng về các chính sách của Đảng và Nhà nước”-ông Lê Viết Phẩm cho biết thêm.
Phương Vi