(GLO)- Chư Sê là huyện có đông đồng bào theo các tôn giáo. Nhận thức rõ quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội, trong 10 năm (từ năm 2003 đến nay), Đảng bộ huyện Chư Sê đã tăng cường lãnh đạo hệ thống chính trị trên địa bàn thực hiện chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.
Trước hết, huyện đã quan tâm triển khai thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo. Sinh hoạt các tôn giáo trên địa bàn ngày càng thuận lợi. Trên địa bàn hiện có 3 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân là Phật giáo, Công giáo, Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam.
Đồng bào Phật giáo huyện Chư Sê tham dự lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Sê. Ảnh: Thanh Nhật |
Tổng số tín đồ toàn huyện hơn 21.000 người. Đội ngũ chức sắc và chức việc của Phật giáo có 2 đại đức và 19 thành viên trong ban hộ tự của các chùa Mỹ Thạch, chùa Linh Phước, tịnh xá Phú Cường Ia Pal, niệm phật đường Hbông. Đạo Công giáo có 2 linh mục phụ trách hai giáo xứ, cùng hơn 50 thành viên trong ban chức việc của giáo xứ Mỹ Thạch và 8 giáo họ thuộc các xã, thị trấn.
Đạo Tin lành trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam có một mục sư kiêm quản nhiệm 2 chi hội Pa Pết, xã Bờ Ngoong và Plei Tốt, thị trấn Chư Sê, cùng 14 thành viên trong ban chấp sự của 2 chi hội. Ngoài ra, tại các xã, thị trấn còn có 18 điểm nhóm, sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật và Hiến chương của Hội thánh.
Những năm qua, UBND huyện đã phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh và các ngành liên quan tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của huyện, cán bộ chủ chốt và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở các xã, thị trấn trên địa bàn nắm vững nội dung cơ bản của Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, phòng-chống âm mưu của các thế lực thù địch về lợi dụng tôn giáo, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực tôn giáo.
Từ đó, giúp cơ quan chức năng trong bộ máy chính quyền cấp huyện và xã làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đưa chính sách và pháp luật về tôn giáo đi vào cuộc sống, nâng cao sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Ủy ban MTTQ huyện thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức cho chức sắc, tu sĩ và tín đồ quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc và tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo...
Riêng các chấp sự tại 2 chi hội Tin lành cũng được tạo điều kiện tham gia lớp bổ túc thần học do Ban Đại diện Tin lành tỉnh phối hợp với Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam mở tại TP. Pleiku, giúp các chấp sự nắm vững kiến thức tôn giáo, tìm hiểu chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, nâng cao nhận thức trong việc đoàn kết tập hợp bà con tín hữu sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật và Hiến chương của Hội thánh.
Mặt trận Tổ quốc huyện và các xã chú trọng công tác tuyên truyền vận động với nhiều hình thức thông qua các tổ chức đoàn thể. Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo cho các già làng, trưởng thôn và nhân dân trên địa bàn, đồng thời thường xuyên duy trì công tác vận động quần chúng là đồng bào có đạo, chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật, nêu gương người tốt việc tốt.
Các xã, thị trấn cũng thường xuyên vận động đồng bào tôn giáo tích cực thực hiện sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, giúp cho tín đồ các tôn giáo nâng cao nhận thức về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, kết hợp giữa vận động tập trung và vận động cá biệt, đấu tranh với âm mưu của địch về lợi dụng tôn giáo-nhất là hoạt động FULRO lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước.
Các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua đã được đông đảo chức sắc, chức việc, tu sĩ và tín đồ tích cực hưởng ứng-nhất là phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Qua đó, nhiều cá nhân và hộ gia đình là đồng bào các tôn giáo đã được huyện biểu dương khen thưởng. Nhờ vậy đã động viên các vị chức sắc, cá nhân tiêu biểu phát huy vai trò của mình trong việc đoàn kết tập hợp đồng bào theo đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện xã hội và tương thân tương ái, chung tay vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Thanh Nhật