Huyện Chư Sê: Một cán bộ xã lạm quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bar Măih (huyện Chư Sê, Gia Lai) đứng ra ký hợp đồng san ủi đất cho dân nhưng thực chất là “bán” tài nguyên khoáng sản trái pháp luật.
Trước cơn “sốt” đi tìm mỏ để khai thác đá granite khối cung cấp cho thị trường trang trí ngoại thất xây dựng, nhiều đơn vị đã đổ xô đi lùng hoặc nhờ các tổ chức, cá nhân cung cấp nguồn thông tin các mỏ đá. Nắm bắt được nhu cầu này, ông Phạm Văn Tịu- cán bộ Văn phòng Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội Nông dân xã Bar Măih (huyện Chư Sê) cũng đứng ra tham gia.
Đá được khai thác nham nhở tại hiện trường. Ảnh: V.N
Đá được khai thác nham nhở tại hiện trường. Ảnh: V.N
Để làm được điều này, ông Phạm Văn Tịu đã vận động nhiều hộ dân là sẽ đứng ra tổ chức san ủi mặt bằng đối với những lô đất có nhiều đá (thực chất là khai thác đá granite lộ thiên). Sau đó, ông Tịu tự cho mình đặc quyền ký hợp đồng để cho các tổ chức hoặc cá nhân khai thác đá trong những khu đất này. Số tiền thu được, ông Tịu… “bỏ túi”. Cụ thể, ngày 30-3-2010, ông Phạm Văn Tịu ký hợp đồng với Công ty TNHH T&D (259 Phan Đình Phùng- TP. Pleiku) và cho phép Công ty này khai thác 2,6 ha đá granite tại đồi Hleng thuộc làng Ngol 1, xã Bar Măih. Thời hạn khai thác là
10 năm với giá thỏa thuận 220 triệu đồng. Hợp đồng ký kết được UBND xã Bar Măih xác nhận.
Sau đó, ông Tịu lại ký tiếp với một người tên Thành (người này tự giới thiệu làm việc cho Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai, có số diện thoại: 0905064xxx) cùng trên diện tích này cũng với giá là 220 triệu đồng. Sau khi giao đủ tiền, ông Thành cũng không làm thủ tục giấy phép khai thác đá theo đúng quy định của Luật Khoáng sản mà đã chủ động cho phương tiện và người vào đây khai thác, phân loại ra đá chẻ và đá khối để bán. Ngược lại, Công ty TNHH T&D sau khi giao trước 100 triệu đồng và đang chuẩn bị thủ tục khai thác đá cây thì phát hiện ông Thành đã cho người khai thác nên xảy ra tranh chấp.
Mặc dù nội dung trong hợp đồng ký kết giữa ông Phạm Văn Tịu và Công ty TNHH T&D mà chúng tôi có được, ghi rõ, cụ thể ông Tịu cho phép “Công ty TNHH T&D khai thác đá trên diện tích nói trên. Thời gian khai thác là 10 năm hoặc khi Công ty khai thác hết đá”, nhưng ông Tịu vẫn chối quanh “Tôi chỉ ký hợp đồng san ủi để lấy đất trồng cà phê. Tôi không có ký hợp đồng cho phép khai thác khoáng sản”. Xung quanh việc một lô đất ký cho hai đối tác khác nhau khai thác, ông Tịu lập luận: Vẫn còn đủ diện tích đất cho Công ty TNHH T&D.
Riêng đối với ông Thành, mặc dù chúng tôi đã liên lạc đăng ký làm việc nhưng ông vẫn tìm cách né tránh.
Hiện nay, đá granite là khoáng sản được quản lý theo Luật Khoáng sản. Các cá nhân muốn khai thác, chế biến khoáng sản phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, cấp giấy phép. Đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ việc làm trên để tránh tình trạng các cá nhân tự ý mua, bán và khai thác tài nguyên khoáng sản vô tội vạ làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và nguồn tài nguyên đất nước.
Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm