Hướng đi nào cho làng nghề truyền thống ở Gia Lai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài lợi ích kinh tế, việc phát triển làng nghề còn thực sự ý nghĩa khi góp phần lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc. Tuy nhiên, những năm qua, làng nghề truyền thống ở các huyện khu vực phía Đông Gia Lai cứ mai một dần…
Hiện nay, tại các huyện ở khu vực phía đông huyện Kông Chro được xem là địa phương đi đầu trong việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện có 3 làng nghề đang hoạt động khá ổn định là dệt thổ cẩm tại làng Nghe Lớn (thị trấn Kông Chro) và 2 làng nghề mây tre đan tại làng Hà Tiên và Nhang Lớn (xã Đak Kơ Ning). Đây là những làng nghề truyền thống có mô hình hoạt động và hướng đi khá ổn định.
Nghệ nhân tại làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro). Ảnh: Lê Anh
Nghệ nhân tại làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro). Ảnh: L.A
Ông Nguyễn Đức Hướng- Trưởng phòng Công thương huyện Kông Chro cho biết: “Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, ngoài giá trị về kinh tế, thì giá trị văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Nhận thức được điều đó nên những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, chúng tôi đã tổ chức đào tạo nghề (dệt và mây tre đan) cho hơn 210 lượt người tại các làng trong huyện. Hiện nay, ở xã Đak Kơ Ning, các nghệ nhân mây tre đan của tỉnh Khánh Hòa đang giúp đỡ đào tạo nghề cho bà con, thu hút hàng trăm lao động theo học. Đây là chương trình nằm trong sự hợp tác bao tiêu sản phẩm với đơn vị bạn. Hy vọng với sự giúp đỡ đó, trong thời gian tới, những làng nghề truyền thống của huyện sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, để có hướng đi mang tính bền vững, cần phải tạo được một thị trường ổn định hơn mới có thể duy trì và nhân rộng các làng nghề…”.
Ngoài 3 làng nghề tại huyện Kông Chro, tại các huyện: Kbang, Đak Pơ… làng nào cũng có nghề… nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, dù ở đây có nhiều tiềm năng để phát triển, có nguồn nguyên liệu khá phong phú, nhiều nghệ nhân có tay nghề cao… Vì vậy, các làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Vòng xoáy của cuộc sống, các sản phẩm truyền thống không còn được ưa chuộng, khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Võ Tấn Hưng- Trưởng phòng Công thương huyện Kbang cho biết: “Cái khó nhất trong việc phát triển làng nghề là tìm đầu ra cho sản phẩm.  Người dân chưa sống được với nghề truyền thống vì giá thấp, mất nhiều thời gian trong khi đi làm thuê một ngày cũng kiếm được từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng. Để thành lập được một hợp tác xã làm cơ sở pháp nhân trong việc tìm đầu ra sản phẩm và duy trì hoạt động của làng nghề không phải đơn giản, vì thiếu vốn, thiếu cán bộ đủ năng lực và tâm huyết…”.
Hiện nay, tại Kbang, nếu ai muốn mua sản phẩm truyền thống thì thông qua Phòng Văn hóa-Thông tin và Phòng Công thương, sau đó những đơn vị này sẽ đặt hàng cho các nghệ nhân. Ngoài ra, các làng nghề truyền thống cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Các làng nghề không thể tiếp cận được với các ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Sản phẩm làm ra mang tính đơn thuần của địa phương, sự nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, cải tiến mẫu mã chưa được chú trọng nên sản phẩm chỉ mang tính trưng bày, triển lãm là chính.
Để các làng nghề truyền thống phát triển, điều thiết yếu là phải xây dựng được một chiến lược bền vững và mang tính dài hơi cho các làng nghề. Vì giữ được nghề và làng nghề, ngoài lợi ích kinh tế thì đây còn là nơi lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc.
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm