(GLO)- Không trồng mía như cách làm truyền thống của Việt Nam, Hoàng anh Gia Lai “công nghiệp hóa” tất cả từ khâu trồng, làm cỏ, thu hoạch… Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên ở Lào cơ giới hóa hoàn toàn từ làm đất đến chế biến thành phẩm.
Công nghiệp hóa nông nghiệp
Đến thăm khu công nghiệp mía đường của Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) ở huyện Su Vông, tỉnh Attapeu-Lào, Giám đốc bộ phận mía đường vốn là Giám đốc Nhà máy Đường Ayun Pa cho biết: Cách làm của họ hoàn toàn khác với cách làm mía truyền thống Việt Nam. Tất cả gần 6.000 ha mía mà HA.GL đã trồng hiện nay trên đất Lào (trong số 12.000 ha đất được cấp cho dự án mía đường) liên ô liên thửa một vùng. Từ khâu cày đất đến rải ngọn trồng rồi làm cỏ thu hoạch đều sử dụng máy móc. Mía trồng theo hàng đôi, nhưng hàng cách hàng lên đến 2 mét để xe cuốc cỏ, bón phân dễ dàng đi lại. Làm cả mấy ngàn ha như thế, chỉ tốn vài trăm người.
Mía của HA.GL tại Lào. Ảnh: H.K |
Ở khu vực HA.GL trồng mía, người dân Lào lâu nay chưa có thói quen làm mía đường nên doanh nghiệp là ông chủ duy nhất từ khâu trồng trọt đến chế biến. Nhờ có diện tích đất lớn, Công ty Mía đường HA.GL Attapeu có điều kiện thử nghiệm rải vụ. Xuống giống thời điểm nào để đạt năng suất tốt nhất khi thu hoạch được đặt ra ngay từ bây giờ, tránh tình trạng mía chín cùng lúc. Thu hoạch đến đâu chế biến đến đó, khắc phục hoàn toàn việc mía giảm chất lượng sau thu. Ruộng mía cách nhà máy chỉ vài ba trăm mét, chỗ xa cũng chỉ năm ba cây số, chi phí vận chuyển mía giảm xuống đáng kể.
Ngoài áp dụng cơ giới hóa toàn bộ trong trồng trọt chăm sóc, HA.GL còn đầu tư hệ thống tưới cho toàn bộ diện tích mía. Vì thế năng suất mía bình quân ở đây mới năm đầu đạt khoảng 120 tấn/ha, gần gấp rưỡi năng suất mía Việt Nam (90 tấn/ha).
Bầu Đức-Chủ tịch Tập đoàn HA.GL “bật mí”: Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp nên giá thành sản phẩm mía đường của HA.GL trên mỗi tấn mía đạt ở mức khó tin: Chỉ 260.000 đồng/tấn. Với giá thành mỗi tấn mía ở Việt Nam từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/tấn, ngành công nghiệp mía đường của HA.GL đủ sức cạnh tranh trên thế giới.
Công nghiệp sau thu hoạch
Cuối năm 2011 HA.GL khởi công cụm công nghiệp mía đường tại Attapeu. Theo dự toán cụm công nghiệp này cần khoảng 100 triệu USD bao gồm: trồng 12.000 ha mía, xây dựng nhà máy đường công suất 7.000 tấn mía cây mỗi ngày, 1 nhà máy điện 30 MW, 1 nhà máy cồn Ethanol công suất 30.000 tấn/năm và 1 nhà máy sản xuất phân bón 50.000 tấn/năm. Đến nay công việc đã hòm hòm, dự kiến tháng 12-2012 toàn bộ các nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Cây mía từ ruộng mang về không bỏ một tí tẹo nào: lấy hết phần đường, bã mía sẽ chuyển cho nhà máy nhiệt điện đốt lấy điện, bọt mía đưa qua nhà máy sản xuất phân để sau đó thành phẩm bón lại cho mía. Phần mật đường dùng sản xuất cồn. Với cách làm khép kín, giá trị của sản phẩm nông nghiệp tăng lên rất cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, niên vụ 2012-2013, sản lượng mía đường sản xuất trong nước đạt khoảng 1,3 triệu tấn, không đủ tiêu thụ, cần nhập khẩu đường như những năm trước. Vừa qua việc xin nhập khẩu 100.000 tấn đường theo ông Đoàn Nguyên Đức-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn HA.GL thì không phải do HA.GL trực tiếp thực hiện, mà do Bộ Công thương Lào đề nghị với Bộ Công thương Việt Nam. Nhà máy của HA.GL là nhà máy đường duy nhất tại Lào, niên vụ 2012-2013, sản lượng khoảng 80.000 tấn. |
Bầu Đức cho biết: Cụm công nghiệp mía đường dự kiến khánh thành vào dịp Quốc khánh Lào ngày 2-12-2012, sau một năm xây dựng. Cụm công nghiệp mía đường đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Attapeu. Nó có thể tạo ra kim ngạch xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu USD/năm và tạo ra việc làm hàng ngàn người; góp ngân sách cho tỉnh một cách đáng kể, đưa Attapeu trở thành một tỉnh công nghiệp chế biến và phát triển bền vững trong tương lai.
Đầu tư vào lĩnh vực mía đường có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào huyện Su Vông nơi nhà máy đứng chân. Bà con các bộ tộc Lào nơi này lâu nay chưa biết trồng mía song tương lai với sự trợ giúp kỹ thuật của HA.GL cây mía sẽ góp phần đáng kể nâng cải thiện đời sống của họ. Từ bước đi đầu tiên của doanh nghiệp, sau khi bà con nông dân tự trồng, doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm.
Ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định: Với sự hỗ trợ của Tập đoàn HA.GL về kỹ thuật, giống và đầu tư trang-thiết bị, tôi tin tưởng rằng người dân Attapeu có thể biến những thửa ruộng xưa nay canh tác lạc hậu, giá trị thu hoạch từ 300 đến 400 USD/ha/năm thành những vườn mía đạt năng suất từ 100 tấn/ha/năm trở lên và giá trị đạt 5.000-6.000 USD/ha/năm. Đây có thể nói là cuộc cách mạng nông nghiệp thật sự biến những vùng nông thôn nghèo khó, không có ăn, không có nhà ở, chỉ sống bằng nghề săn bắn hái lượm thành những vùng nông thôn giàu có trong tương lai…”.
Huỳnh Kiên