(GLO)- Mỗi độ nghe tin rét đậm cuối đông-đầu xuân tràn về, tôi lại da diết nhớ nhà, quay quắt những cái Tết của thuở thiếu thời cùng gia đình chuẩn bị đón năm mới giản dị và ấm cúng xiết bao!
Bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp, bọn trẻ con chúng tôi náo nức đếm ngược thời gian từng ngày đợi Tết; cùng hình dung, tán chuyện với nhau sẽ được cha mẹ đưa đi chơi, thăm thú những đâu, đoán thử tiền lì xì năm nay nhiều hay ít…
Mẹ tôi dắt theo đàn con đi chợ huyện bán giỏ gà (của đáng giá nhất trong nhà!) mua sắm quần áo, mũ dép mới. Được mặc vào thay ra chọn bộ, thử chân đôi dép đi vừa mà lòng lâng lâng vui sướng mong ngày chóng qua cho Tết đến thật nhanh. Cha và anh tôi sửa sang, tỉa xén lại rào giậu, sân trước vườn sau quét dọn tinh tươm. Tôi được phân công qua lối xóm xin quả khế chua về lấy nước, trộn lẫn bếp lò đất vỡ hay tro bếp để chùi lư đồng cho sáng bóng lên.
Sau đó cùng nhau quét dọn trong nhà, trang hoàng bàn thờ ông bà tổ tiên thật trang trọng trước ngày cúng đưa ông Táo về trời. Cha nói, như thế để Táo quân nhà mình lên tâu với Ngọc Hoàng lời tốt đẹp và gia đình mới được phù hộ, độ trì trong năm mới. Cũng từ thời điểm đó, không khí Tết càng thêm náo nhiệt.
Sáng 28, cha đào lò đặt bếp nấu bánh tét. Đêm xuống, quanh bếp lửa bập bùng, nồi bánh sôi lục sục bao chuyện ngày xưa, ngày qua, chuyện xóm làng, họ tộc có dịp nhắc đến.
Chùm bánh ú giữa khuya 29 được vớt ra trước cho cả nhà thưởng thức. Ôi hương thơm lá chuối; vị nếp dẻo, đậu xanh, thịt mỡ, hành hương, hồ tiêu hòa lẫn vào nhau thơm ngon thấm tràn nơi đầu lưỡi còn nôn nao đến tận bây giờ!
Phiên chợ cuối năm (nhằm ngày 30 tháng Chạp), cha mang về những câu đối viết bằng mực Tàu trên nền giấy đỏ sẫm dán lên tường càng làm rực lên sắc màu Tết. Hàng vạn thọ dọc lối từ cổng vào, cội mai già bên hiên, cùng với luống cải trước sân vàng rực dưới nắng Xuân mơn man như cùng đua nhau tôn tạo sắc màu ngày Tết.
Chiều Ba Mươi, Tết thật rồi. Mâm cỗ tinh tươm được sắp lên bàn thờ. Hương khói thơm lừng, nồng nàn từ ngoài ngõ cúng rước ông bà tổ tiên về với cháu con thượng hưởng ba ngày Tết. Đêm ba mươi, trong thời khắc chờ đón Giao thừa mọi người sạch sẽ, tinh tươm trong bộ trang phục mới nhất vui vẻ, đầm ấm bên nhau kể chuyện năm đã qua như lối tự kiểm mà không kiểm, nhắc nhở nhau hơn là chê trách, chỉ trích… Giao thừa, trong gian nhà thờ cha mặc áo dài, đầu chít khăn đóng màu đen trang nghiêm thắp nến, ba nén hương lên mỗi bàn thờ cung kính khấn lạy trời đất, ông bà. Thời khắc ấy thật thiêng liêng, mọi sự đều thật khẽ như sợ động vỡ, như để lắng nghe thanh âm trời đất giao hòa...
Sáng mồng Một, hết thảy mọi người áo quần mới tinh tươm, theo thứ tự lớn bé lần lượt lạy trước bàn thờ mừng tuổi ông bà; cầu mong điều tốt lành đến gia đình và với mình trong năm mới. Trong khói hương trầm, giữa hai vầng nhật nguyệt, dường như người thân quá cố hiển hiện quây quần cùng cháu con. Xong đâu đấy đến việc mừng tuổi cha mẹ. Từng đứa, theo thứ tự lớn bé khoanh tay trang nghiêm, tùy lời đã chuẩn bị chúc cầu song thân và nhận lại lời chúc, kèm với món tiền mừng tuổi thơm mùi giấy mới. Sau bữa ăn quần tụ gia đình đầu năm, lũ trẻ con chúng tôi tỏa đến sân đình, đến tụ điểm vui chơi mà tuyệt nhiên không được đến nhà nào vì e gia chủ đổ vấy “vía” người xông đất đầu năm mà lo chuyện hênh xui cho cả năm.
Nhớ vô cùng ngày Tết tuổi thơ tôi.
Nguyễn Đình Phê