Hoài niệm làng chài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều trên sông Ba. Chiếc thuyền nan nằm đơn độc, lẻ loi ven bờ sông vắng, tà dương ánh lên những vàng vọt cuối ngày làm cho khúc sông gợi những hoài niệm không tên. Cố hình dung đến mấy cũng không thể tưởng tượng ra, ngay chỗ chúng tôi đứng khi xưa từng là một xóm chài nhộn nhịp.

Ông Lê Văn Tựu-một lão ngư sống từ nhỏ ở xóm chài cho hay: “Khi xưa xóm chài chỉ khoảng 30-40 nóc nhà, gọi là một vạn. Đa số người xóm chài gốc ở vùng An Thái (Bình Định) vốn nổi tiếng với nghề chài lưới. Miếu vạn ở vùng này có ý nghĩa là vạn chài, do những người làm nghề cá đầu tiên ở xóm chài lập nên để thờ tổ nghề. Nó đánh dấu một thời kỳ làm ăn thịnh vượng của xóm chài từ những năm trước giải phóng”. Xóm chài ngày nay đã bị “xóa tên” trên bản đồ địa lý, người dân cũng từ giã ngư cụ và chuyển sang nhiều nghề khác mưu sinh, nhưng hàng năm, vào độ tháng 3 Âm lịch, người dân vẫn tụ họp về cúng lễ rất linh đình.

 

Miếu Vạn nằm ngay bên đường nhắc nhớ một thời thịnh vượng trong nghề cá ở xóm chài An Xuyên. Ảnh: Hoàng Ngọc
Miếu Vạn nằm ngay bên đường nhắc nhớ một thời thịnh vượng trong nghề cá ở xóm chài An Xuyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Chút hoài niệm

Đường vào xóm chài An Xuyên (nay là tổ dân phố 7 và 8 phường Tây Sơn, thị xã An Khê) lổn nhổn đất đá. Miếu vạn An Xuyên-nơi thờ tổ nghề, minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của những người làm nghề cá nơi xóm chài, nằm ngay ven đường. Ngay trước cửa ra vào, ghi rõ mốc thời gian “Tiền lập năm 1961, hậu tu năm 2002”. Từ nhỏ gắn bó với nghề cá, khi nhắc lại cuộc sống nơi xóm chài An Xuyên, ông Tựu bồi hồi: “Cha mẹ tôi là những người đầu tiên từ Bình Định lên đây lập nên xóm chài này. Tôi theo họ lên thuyền đi đánh cá từ nhỏ, lớn lên theo luôn nghề cá. Các con tôi cũng đều nối nghiệp cha, nhưng đến giờ nó chỉ còn là kế mưu sinh để sống qua ngày một cách chật vật”.

Theo ông Tựu, ông là thế hệ thứ hai của xóm chài An Xuyên nhưng cũng theo nghề đủ lâu để chứng kiến thời kỳ thịnh vượng nhất của nghề cá. Ông kể: “Cách đây ba bốn chục năm, lúc nào cũng có vài chục chiếc sõng (những chiếc thuyền nan được làm chủ yếu bằng tre-P.V) đậu san sát kéo dài cả một khúc sông. Chúng tôi chỉ cần đi buông lưới một đêm, sáng hôm sau đã có vài chục ký cá, bán mua gạo ăn cả tháng. Hồi ấy, sông Ba có nhiều loài cá lắm, giờ tìm đỏ mắt cũng không còn. Ngon nhất là cá roái, cá phá, cá nhao, cá lúi, cá dong, chình bông”.

 

Chiếc sõng nằm lẻ loi trên một khúc sông khiến người ta thêm hoài niệm.Ảnh: Hoàng Ngọc
Chiếc sõng nằm lẻ loi trên một khúc sông khiến người ta thêm hoài niệm. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đặc biệt là cá dong y như con cá tràu, màu đen, to bằng bắp vế, nặng 5-6 ký, rất nạc và thơm. Mỗi con có khi đẻ tới 500-600 con. Tới mùa sinh sản, cá dong bơi đặc sông. Có những ngày may mắn gặp cả một đàn cá dong trưởng thành, đánh lên vài chục ký là chuyện thường. Cá sông Ba là ngon nhứt hạng. Mỗi loài một vị béo, thơm; dùng kho tộ, nấu canh chua, nướng vàng chấm muối ớt… chế biến cách gì cũng ngon không gì sánh bằng. Có lẽ cũng do con cá được sống trong môi trường tự nhiên trong lành, nhiều ghềnh thác của dòng sông Ba nên thịt có vị ngon rất đặc biệt”.

Theo dòng hồi ức của lão ngư này, dòng sông Ba còn có một loài rất đặc biệt, đó là con cua đinh. Đây được xem như một tặng vật của sông, bất kỳ ai từng bắt được loài cua đinh và thưởng thức hương vị của nó đều không thể quên được. “Mấy chục năm gắn bó với sông nước, con cua đinh lớn nhất tôi từng bắt được nặng chừng nửa tạ. Mùa săn cua đinh rất vui, có thể thả câu, nhưng phải câu bằng dây dù to chắc chắn, hoặc dùng những chiếc gậy sắt có móc. Cua đinh thường đẻ trứng vào tháng tư. Những người có kinh nghiệm thường lùng bắt cua đinh lúc nó vào bờ đào hang đẻ trứng. Thường phải đi 4-5 người vì con cua đinh rất lớn, nó có thể cắn đứt cổ tay người lớn”-ông Tựu kể.

Loài cua đinh đã biến mất trên dòng sông Ba, nhưng vẫn “sống” trong ký ức của nhiều người. Ông Lê Văn Hiệp-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, bồi hồi: “Tôi sinh ra ở xóm chài An Xuyên, tuổi thơ có nhiều kỷ niệm với những người làm nghề cá. Khoảng năm 1966, khi đó tôi lên 9 tuổi đã chứng kiến tận mắt người ta bắt được con cua đinh khổng lồ, nặng gần một tạ, làm huyên náo cả xóm chài. Hồi ấy, nhà tôi cách nhà ông Thành-người bắt cua đinh nổi tiếng nhất xóm chài vài căn nhà, thỉnh thoảng tôi được “ăn chực” những bữa thịt cua đinh xào lá lốt, vị béo rất đặc biệt. Hồi ấy chỉ nhà giàu mới có tiền mua cua đinh về hầm thuốc bắc vì đại bổ và mát”.

Lớn lên giữa xóm chài, nhất là vào thời kỳ thịnh vượng của nghề cá, trong ký ức của ông Hiệp, đó không đơn thuần chỉ là một nghề để kiếm sống, cuộc sống của người dân xóm chài có nhịp điệu riêng trên vùng đất bán sơn địa An Khê. Ông kể, ngày ấy xóm vạn chài chỉ vài chục nóc nhà, đất nhà ai cũng rộng. Sau mỗi mùa cá, họ thường phơi lưới, vá lưới hoặc đan mới trên những cây sào đặt trên khuông đất rộng rãi quanh nhà. Những chiếc sõng đi sông cũng được dân chài tự đan bằng tre. “Tôi nhớ mỗi chiều về, những chiếc sõng cập bến ngơi nghỉ, đậu san sát trên một đoạn sông dài. Khung cảnh thanh bình ấy in đậm trong trí nhớ đến nỗi đã ba bốn chục năm rồi, thỉnh thoảng đi qua xóm chài nhìn xuống đoạn sông ấy, tôi vẫn cứ bần thần, tiếc nhớ…”-ông Hiệp nói.

Phận người ven sông


 

Lão ngư Lê Văn Tựu bồi hồi nhớ về xóm chài nay đã không còn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Lão ngư Lê Văn Tựu bồi hồi nhớ về xóm chài nay đã không còn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sống cùng sông Ba trong phần lớn cuộc đời, hàng ngàn đêm lênh đênh cùng sóng nước, bao nhiêu buồn vui, hạnh phúc và cả những khổ đau đời người đều được lão ngư Lê Văn Tựu gửi trọn cùng những con nước trôi về nguồn. Nhưng gần 10 năm nay, ông dường như không còn ghé bến, đoạn tuyệt hẳn với nghề cá. “Nhiều đêm nhớ nghề, thèm cảm giác lênh đênh trên sông nước cồn cào gan ruột. Nhưng chịu thôi. Sau lần mổ tim năm 2006 đến giờ, tôi không còn đủ sức để chèo lái con thuyền, dù chỉ để dạo chơi trên sông. Với lại, bao nhiêu loài cá ngon, cá quý trên sông Ba đã bị tuyệt diệt, chỉ còn lại trong trí nhớ của người vạn chài. Sông Ba đã chết nhiều năm trước khi những nhà máy lần lượt mọc lên. Dòng nước ô nhiễm không gì cứu vãn được. Ngư phủ thấy tiếc, thấy xót khi chứng kiến nhiều loài cá chỉ có trên dòng sông Ba chết trắng bờ. Bây giờ trên sông chỉ còn hai loài rô phi và cá tràu có thể chống chịu được với ô nhiễm. Con cá đá sông Ba nổi tiếng là thế giờ cũng hiếm lắm”-ông Tựu không giấu được sự tiếc nuối, ngậm ngùi.

Để đỡ nhớ sông, nhớ bến, ông Tựu làm một căn chòi nhỏ ven sông, đoạn đối diện miếu Vạn An Xuyên để hàng ngày vẫn được nhìn thấy sông, thấy bến, được nghe tiếng nước ì oạp vào bờ đá, được hít căng lồng ngực những ngọn gió mát từ sông thổi về. Ông nói, ông có thể sống lâu sau những trận đau tim nhờ ở căn chòi này, ngắm hoàng hôn rồi bình minh trên sông để thấy đời thảnh thơi, bớt đi những lo toan… Trong đời, ông đã không ít lần cứu người chết đuối. Một số người vẫn nhớ ơn ấy mà tới thăm lúc ông ốm đau.

Trải qua thời kỳ thịnh vượng trong nghề cá, nhưng về cuối đời, ông cũng chỉ có hai bàn tay trắng với món nợ mổ tim không biết khi nào trả hết. Vậy nhưng trong số 7 đứa con của ông có tới 3 đứa theo nghề cá cho tới bây giờ. “Cả xóm chài này giờ chỉ còn vài nhà đeo bám với nghề cá, kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng đủ mua gạo. Phần lớn người xóm chài đã chuyển sang làm nông hoặc đi làm thuê tứ xứ rồi. Đời người ở xóm chài chưa thấy ai sướng, đủ ăn đủ mặc là may rồi. Nếu có biến cố gì mới thấy hết cái khổ của một kiếp người nổi nênh mưu sinh trên sông nước. Vậy mà bao nhiêu năm, hết đời này qua đời khác, người xóm chài vẫn gắn bó với sông nước, chẳng kêu ca gì. Chỉ khi sông không còn cho sự sống nữa người ta mới chịu đầu hàng…”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.