Họa sĩ Lê Hùng và nữ họa sĩ Lê Nguyễn Thảo My

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cha con Lê Hùng, Lê Nguyễn Thảo My, nguyên quán thành phố Huế, lập nghiệp và thành danh trên cao nguyên Pleiku. Hai thế hệ họa sĩ- hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, cha và con có 3 cái chung:

Chung một mái ấm gia đình. Hơn thế, chung một sở thích nghệ thuật hội họa. Biết động viên nhau trong cuộc sống khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; nhất là trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Tất nhiên không thể không nói đến “hậu phương lớn”- người vợ và người mẹ đã thực sự tiếp sức cho nghệ thuật của hai cha con. sống ở một địa phương xa các trung tâm mỹ thuật lớn mà vẫn sáng tác, vẫn công bố tác phẩm thường xuyên. Cả hai không ít lần đã nhận được giải thưởng trong các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực.

Trước sau hai cha con đều có chung một nguồn gốc đào tạo. Lê Hùng tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Huế năm 1980, còn Lê Nguyễn Thảo My tốt nghiệp trường Đại học nghệ thuật Huế năm 2003 mà tiền thân là trường Cao đẳng mỹ thuật Huế. Dù muốn hay không, ít hay nhiều mang dấu ấn phong cách nghệ thuật của một trung tâm đào tạo mỹ thuật các tỉnh miền Trung, thoát thực hơn, kết hợp hài hòa chất tạo hình và chất trang trí truyền thống của cố đô Huế.

Trong lao động sáng tạo nghệ thuật, con người và cảnh vật Cao nguyên Pleiku đã đi vào tranh của hai cha con một cách tự nhiên như chính cuộc sống của mình. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, song nghệ thuật quyết không phải chính là cuộc sống. Mỗi một họa sĩ đều có một quan niệm, một cách tiếp cận vẻ đẹp đặc thù của rừng núi Tây Nguyên và một cách xử lý nghệ thuật riêng. Đó chính là quy luật muôn đời của nghệ thuật.

Nữ họa sĩ trẻ Lê Nguyễn Thảo My

Theo thông lệ quốc tế phải từ 35 tuổi trở xuống mới được coi là họa sĩ trẻ. Sau 6 năm ra trường, chị thường xuyên có tranh tham dự các cuộc triển lãm và đôi lần nhận giải. Năm 2009 tròn 27 tuổi, chị được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên được 35 tuổi của hội quá hiếm, dưới 30 tuổi càng hiếm hơn nhất là đối với một nữ họa sĩ sống và lao động nghệ thuật ở xa các trung tâm mỹ thuật.

“Hương rừng” của Lê Nguyễn Thảo My. Ảnh: Lê Quốc Bảo
“Hương rừng” của Lê Nguyễn Thảo My. Ảnh: Lê Quốc Bảo

Hầu như tranh của chị đều tập trung phản ảnh phụ nữ và trẻ em cao nguyên trong nhiều chiều không gian và thời gian. Âu cũng là đề tài chung của các nữ họa sĩ chúng ta. Có điều Thảo My biết khai thác vẻ đẹp vốn có của vùng đất Tây Nguyên và tinh hoa văn hóa tạo hình truyền thống của các dân tộc cao nguyên. Tranh chị thường là một không gian thuận mắt ước lệ với ánh sáng tự nhiên. Nổi trội các gam màu chủ đạo vốn có: Đỏ-đen-xanh. Hình tượng nghệ thuật khoe được vẻ đẹp đậm-chắc-khỏe của phụ nữ Tây Nguyên theo bút pháp cách điệu, cường điệu kết hợp các mô típ trang trí vốn có làm phong phú không gian hình tượng nhân vật. Nói chung là hình tượng nghệ thuật như: Đất thiêng, Ngày hội, Hạnh phúc, Hương rừng… Ba tác phẩm Phổ, Mục đồng, Mèo và hoa ẩn hiện các yếu tố tạo hình: Lập thể, siêu thực, ấn tượng, biểu hiện… Tất cả vẫn thuộc xu hướng nghệ thuật hiện thực giàu chất thơ và nữ tính Thảo My.

Họa sĩ Lê Hùng

“Lãng du” của Lê Hùng. Ảnh: Lê Quốc Bảo
“Lãng du” của Lê Hùng. Ảnh: Lê Quốc Bảo

Sau gần 30 năm cầm cọ đã tới độ chín về nghề nghiệp và tuổi đời. Con người và cảnh vật cao nguyên thấm đẫm trong ông. Ông thường vẽ theo “cái cảm” “cái thuộc”, không vẽ theo cái thấy thường tình. Tranh ông về cơ bản vẫn thuộc không gian thuận mắt. Có khác chăng chia mảng dọc-ngang, to-nhỏ nhằm mở rộng không gian khắc họa được nhiều nội dung như: Sắc màu Tây Nguyên, Vũ khúc rừng, Bình yên cao nguyên… Còn các tác phẩm: Giao cảm hình tượng nghệ thuật gồm hai nhân vật, một tượng gỗ nam và một cô gái… Thực-hư, ẩn-hiện mà vẫn giao thoa được với nhau trong một không gian hoang sơ đầy huyền hoặc. Cõi tâm linh hình tượng nhân vật hiện lên trên một tấm thổ cẩm hướng về một cái đầu trâu bên ngoài-một cõi tâm linh tây nguyên! Còn Vũ khúc dưới trăng tôi liên tưởng đến các tác phẩm Trăng tỏ, Trăng lu của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Dưới trăng chị em tự chiêm ngưỡng mình. Phải là người phụ nữ mới, mới tự tin như vậy, với phụ nữ Cao nguyên vừa truyền thống vừa hiện đại. Tất cả bút pháp, hình thức, phong cách nghệ thuật thể hiện trong tranh đều thuộc xu hướng nghệ thuật hiện thực tâm trạng thuộc kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại.

Tất nhiên vẻ đẹp đích thực của con người và cảnh vật Cao nguyên luôn ở phía trước chúng ta, trong đó có cha con họa sĩ Lê Hùng, Lê Nguyễn Thảo My. Hãy sống hết mình cho “miền đất hứa” của mình cộng với một chút tài năng-cái đẹp đích thực trong nghệ thuật sẽ đến với chúng ta.

Lê Quốc Bảo

Có thể bạn quan tâm