(GLO)- Theo thống kê của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh qua đợt giám sát, trong 3 năm từ 2010 đến 2012, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục-đào tạo, việc làm-dạy nghề được phân bổ là 291.596 triệu đồng với tổng cộng 14 dự án, thực hiện đạt 93% kế hoạch vốn Trung ương giao.
“Tạo nội lực cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội”
Theo đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục-đào tạo, 3 năm qua, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện 224.233 triệu đồng/238.311 triệu đồng vốn Trung ương giao, đạt 94,09%, được bố trí cho các dự án: hỗ trợ phổ cập mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi và hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học; đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục; tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn; hỗ trợ cơ sở vật chất trường chuyên và trường sư phạm…
Đoàn giám sát kiểm tra thiết bị được cấp từ các dự án. Ảnh: P.D |
Trong khi đó, với Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm-dạy nghề, trong 3 năm qua cũng đã có 46.935/53.285 triệu đồng (đạt 88,08%) được bố trí, tập trung cho 5 dự án: đổi mới và phát triển ngành nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ nâng cao năng lực truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, việc thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư đúng với quy định của Nhà nước và quyết định phân cấp của tỉnh. Cơ chế quản lý điều hành các chương trình, dự án được triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo thuận lợi trong việc thực hiện hoàn thành kế hoạch chương trình, dự án đã đề ra trong từng năm, tạo nội lực cho sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp như: dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (đạt 73,2%, không sử dụng hết vốn là 3.249 triệu đồng); dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn (đạt 94,53%, không sử dụng hết vốn đã bố trí là 8.432 triệu đồng); dự án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 5,51%, không sử dụng hết vốn đã bố trí là 1.370 triệu đồng)...
Đề xuất, kiến nghị
Các thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cũng đã ghi nhận những vướng mắc phát sinh từ quá trình thực hiện 2 chương trình nói trên. Một trong những vướng mắc lớn nhất là theo cơ chế giao vốn hiện nay, địa phương không chủ động triển khai được, phải phụ thuộc vào việc Trung ương giao vốn sớm hay muộn, nhiều hay ít. Kinh phí hàng năm được Trung ương phân bổ cũng chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, nói về sự đầu tư tràn lan, thiếu chiều sâu, ông Nguyễn Văn Lành- Bí thư Huyện ủy Chư Sê, thành viên đoàn giám sát-nêu thực trạng: “Cái cần đầu tư thì không đầu tư, cái chưa cần lại đầu tư. Chư Sê hiện đang thiếu đến 93 phòng học mầm non, nhiều nơi phải mượn phòng học tạm thì lại chưa được đầu tư thích đáng”.
Năm 2013, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục-đào tạo và việc làm-dạy nghề là 134.625 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 3.045 triệu đồng và vốn sự nghiệp là 131.580 triệu đồng. |
Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng dẫn chứng về nghịch lý thiếu thừa kinh phí: Do có quá ít người đi xuất khẩu lao động nên kinh phí hỗ trợ (gồm đào tạo nghề, học ngoại ngữ, làm thủ tục xuất cảnh…) không sử dụng hết, phải trả lại. Nguyên nhân là bởi đối tượng thụ hưởng từ chương trình này bị hạn chế (chỉ hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số) trong khi đối tượng này thường có trình độ thấp, khó tham gia vào các thị trường lao động đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, đối với nguồn điều tra thu thập thông tin về cung-cầu lao động thì kinh phí phân bổ lại quá thấp, chỉ 1.000 đồng/phiếu điều tra!
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng nêu những khó khăn khác như: Kinh phí để bố trí mua sắm thiết bị dành cho bậc học mầm non theo định mức của đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 (theo đơn giá năm 2010) chỉ đáp ứng khoảng… 28% giá thực tế theo danh mục thiết bị mà Bộ Giáo dục-Đào tạo ban hành, gây khó khăn cho địa phương trong việc lựa chọn danh mục để mua sắm; định mức kinh phí đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên tiếng Anh tại địa phương được Bộ Giáo dục-Đào tạo giao quá thấp nên không thể thực hiện đạt một số chỉ tiêu mà Trung ương đã giao; định mức chi cho công tác phổ cập giáo dục các cấp còn thấp, chưa khuyến khích giáo viên làm công tác phổ cập; vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cần vốn của người dân…
Trước thực trạng trên, đoàn giám sát đã tổng hợp những kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên nhằm tăng cường cơ sở vật chất các trường học; hàng năm ưu tiên tăng vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục-đào tạo và việc làm-dạy nghề để đủ nguồn lực thực hiện đạt mục tiêu của từng chương trình, dự án; mở rộng đối tượng thụ hưởng nguồn kinh phí từ chương trình hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Đồng thời, để triển khai tốt kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu quả, các bộ, ngành cần sớm ban hành các thông tư, hướng dẫn liên ngành về định mức chi, định mức phân bổ phù hợp với tình hình thực tế; nâng định mức cho vay vốn tạo việc làm đối với hộ gia đình của Quỹ Quốc gia về việc làm (qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh) lên tối đa 30-50 triệu đồng/hộ gia đình; hàng năm phân bổ vốn sớm… Đoàn giám sát cũng đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn đối ứng cũng như huy động các nguồn lực khác trong nhân dân để chương trình thực hiện hiệu quả hơn; bố trí một phần kinh phí cho công tác sửa chữa cơ sở vật chất, trường, lớp học…
Phương Duyên