(GLO)- Nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, vừa qua, Phòng Kinh tế thị xã An Khê đã triển khai thực hiện dự án thâm canh giống lúa chất lượng OM7347, TH3-5 và áp dụng kỹ thuật gieo hạt bằng thiết bị sạ hàng trên một số cánh đồng tại địa phương. Bước đầu, mô hình này đã cho thấy hiệu quả nhất định.
Đây là dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cấp thị xã năm 2015 với tổng kinh phí 429,8 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp khoa học tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp. Dự án được triển khai trong vòng 1 năm, bắt đầu từ tháng 5-2015 và kết thúc vào 4-2016.
Bà con phấn khởi thu hoạch lúa. Ảnh: H.T |
Tích cực triển khai
Ông Nguyễn Công Tuấn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết: “Nông dân địa phương chủ yếu canh tác lúa theo tập quán với diện tích nhỏ lẻ, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng còn thấp. Do đó, chúng tôi đã quyết định thử nghiệm mô hình này nhằm cải thiện sự hiểu biết, nâng cao chất lượng lúa thương phẩm lẫn thu nhập cho bà con”.
Để việc thực hiện dự án đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung và tiến độ, Phòng Kinh tế thị xã với vai trò là cơ quan chủ trì đã cử 3 cán bộ quản lý, phụ trách chuyên môn tham gia theo dõi, giám sát; đồng thời thuê 1 kỹ sư trồng trọt để tập huấn, hướng dẫn và chỉ đạo kỹ thuật sản xuất lúa áp dụng sạ hàng bằng thiết bị gieo hạt L6.
2 địa phương được lựa chọn để triển khai mô hình là xã Tú An và Cửu An với tổng diện tích 12 ha (6 ha trồng giống lúa thuần OM7347, 6 ha trồng giống lúa lai TH3-5). Vụ mùa 2015, xã Cửu An có 18 hộ tham gia với 3 ha (2 ha lúa thuần OM7347 gồm 12 hộ, 1 ha lúa lai TH3-5 gồm 6 hộ); xã Tú An có 19 hộ tham gia với 3 ha (2 ha lúa thuần OM7347 gồm 12 hộ, 1 ha lúa lai TH3-5 gồm 7 hộ). Các hộ này đều sản xuất lúa lâu năm, có kinh nghiệm, trình độ thâm canh khá, có đủ các điều kiện về nguồn lực để thực hiện mô hình (vốn đối ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vôi, đầu tư đầy đủ các vật tư khác theo quy trình, công lao động), vị trí đồng ruộng gần đường giao thông, có khả năng tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật…
Ở vụ Đông Xuân 2015-2016, dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai tại cánh đồng Bàu Phụng (xã Cửu An) và Suối Le (xã Tú An) trên cơ sở tiếp tục chọn lại những hộ đã làm tốt mô hình và bổ sung những hộ mới. Theo đó, xã Cửu An có 21 hộ tham gia với diện tích 3 ha (2 ha lúa thuần OM7347 gồm 13 hộ, 1 ha lúa lai TH3-5 gồm 8 hộ); xã Tú An có 20 hộ tham gia với 3 ha (13 hộ/2 ha lúa thuần OM7347, 7 hộ/ha lúa lai TH3-5).
Khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón hóa học, vôi và thuốc bảo vệ thực vật; riêng công lao động, diện tích đất trồng lúa, dụng cụ lao động, phân bón hữu cơ, nước tưới... do họ chủ động. Trong quá trình thực hiện, các hộ dân phải ghi chép đầy đủ việc áp dụng các khâu kỹ thuật theo quy trình để làm cơ sở đánh giá kết quả. Sản phẩm sản xuất ra từ dự án, hộ tham gia hưởng lợi và tự tiêu thụ. Phòng Kinh tế cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây lúa nước chất lượng cao, kỹ thuật gieo hạt bằng thiết bị sạ hàng cho nông dân trong 2 ngày với 78 lượt người tham gia.
Hiệu quả bước đầu
Qua triển khai, cả 2 giống lúa đều phát triển tốt. Ở vụ mùa, mô hình đã thu được 28,88 tấn lúa OM7347 thương phẩm (đạt 111,08% so với dự kiến); 13,80 tấn lúa TH3-5 (đạt 98,57% so với kế hoạch). Ở vụ Đông Xuân, lúa OM7347 thu được 27,40 tấn (đạt 97,86% dự kiến), lúa TH3-5 thu được 13,55 tấn (đạt 90,33% so với dự kiến). Lợi nhuận bình quân đối với mô hình lúa thuần OM7347 là hơn 15,8 triệu đồng/ha; đối với mô hình lúa lai TH3-5 là hơn 12,4 triệu đồng/ha. Sản phẩm lúa thương phẩm có chất lượng cao, đáp ứng một phần về an ninh lương thực trong vùng và phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ngoài ra, dự án thành công đã giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức trong việc ứng dụng một số tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nắm được kỹ thuật trồng lúa nước cho hiệu quả cao và biết sử dụng thiết bị sạ hàng để gieo sạ các loại giống lúa đúng kỹ thuật. Ông Tuấn phân tích: Gieo sạ thẳng hàng bằng máy kéo tay L6 là kỹ thuật mới, lần đầu tiên được áp dụng tại 2 xã Cửu An và Tú An đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân, như: tiết kiệm giống, giảm bớt công tỉa dặm, ruộng lúa thông thoáng, lúa đẻ nhánh mạnh, thân cứng, ít đổ ngã; sử dụng phân bón ít, năng suất tăng hơn so với gieo vãi truyền thống; cải thiện chất lượng hạt, thuận lợi cho cơ giới hóa, ít sâu bệnh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật 10-20% và công lao động…
Hộ ông Nguyễn Văn Khoa (thôn An Điền Bắc 2, xã Cửu An) có 1,7 sào đất ở cánh đồng Bàu Phụng. Vừa qua, ông mạnh dạn đăng ký tham gia dự án ở cả vụ mùa và Đông Xuân với cả 2 giống lúa thuần và lai nói trên. “Việc gieo sạ thẳng hàng khá lợi giống, lợi công, ít sâu bệnh. Các giống lúa cho năng suất cao hơn so với các giống Ải 32 và Nhị Ưu trước đây tôi trồng mặc dù vụ Đông Xuân năm nay thời tiết khá bất lợi. Nông dân chúng tôi rất phấn khởi”-ông Khoa chia sẻ.
Còn ông Lê Ngọc Bình (thôn Tú Thủy 1, xã Tú An) thì vui vẻ nói: “Gia đình tôi có 2,4 sào ở cánh đồng Suối Le. Trước tôi trồng lúa thơm dẻo, DV108 nhưng không đạt lắm. Năm rồi, tôi tham gia dự án với 2 giống lúa OM7347 và TH3-5, thu hoạch được 1,1-1,3 tấn/sào, năng suất cao hơn 25-30%. Không riêng gì tôi, nhiều người trong thôn thấy hiệu quả cũng có ý định sạ giống OM7347 này vào vụ mùa sắp tới”.
Kết thúc dự án, các máy sạ hàng kéo tay phục vụ dự án được đơn vị chủ trì lập thủ tục bán thanh lý cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Ông Tuấn cho hay, tổng diện tích lúa 2 vụ trên địa bàn thị xã là 335 ha. Với hiệu quả bước đầu của dự án, Phòng Kinh tế sẽ khuyến khích bà con nhân rộng ở các xã, phường còn lại. Đây được coi là một trong những hướng đi tích cực, góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hồng Thi