Từ năm 2006 đến nay, các chương trình hỗ trợ các hộ nông dân nghèo sản xuất đã được Nhà nước chú trọng đẩy mạnh đầu tư một cách hệ thống, đồng bộ và đa dạng. Chương trình 135 giai đoạn II bắt đầu triển khai năm 2006, riêng hợp phần hỗ trợ sản xuất đến nay qua 4 năm thực hiện đã giải ngân được hơn 36 tỉ đồng, cho hơn 28 ngàn hộ dân hưởng lợi.
Chương trình giảm nghèo quốc gia, riêng hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển ngành nghề đã giải ngân được hơn 4 tỉ đồng, cho hơn 1.600 hộ dân hưởng lợi; xây dựng được 39 mô hình sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Hỗ trợ giống bắp cao sản cho đồng bào nghèo. Ảnh: Đức Thụy |
Phần lớn các hạng mục hỗ trợ đầu tư tập trung vào giống cây trồng, vật nuôi, vật tư kỹ thuật, trang bị máy nông nghiệp, công cụ sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất hợp lý. Qua 4 năm thực hiện, các chương trình dự án đã giúp người dân nghèo tiếp cận được các phương thức canh tác tiến bộ hơn như: Thâm canh lúa nước, trồng bắp lai năng suất cao, phát triển một số nghề mới (đan lát mây tre lá, trồng nấm ăn và nấm dược liệu). Ngoài ra, các đối tượng canh tác truyền thống, nhờ được hỗ trợ về vốn cũng đã mở rộng quy mô cao hơn, có khả năng sản xuất ra hàng hóa. Nhờ đó, nhiều người nghèo khó đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Hộ gia đình ông Đinh Phum, ở làng Leng Tô, xã Đak Pơ (huyện Đak Pơ, Gia Lai) trước đây rất nghèo, nhờ chương trình hỗ trợ mua được 2 con bò cái, sau mấy năm gia đình ông đã có đàn bò 5 con. Ông cho biết: Nhờ chương trình xóa đói giảm nghèo, ông nuôi được bò sinh sản, nay bán đi 3 con, có tiền sửa nhà, mua ti vi.
Chương trình 135 đã có sự đầu tư cho các nhóm hộ trang bị các loại máy nông nghiệp như: Máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa, máy bơm thuốc trừ sâu, máy sạ hàng, máy bơm nước, máy xay xát... Đến nay, riêng hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 đã trang bị cho các nhóm hộ nông dân hơn 4 ngàn máy móc, công cụ. Nhiều nhóm hộ đã tự chọn lấy hãng máy, tự quyên góp thêm tiền để mua thêm máy móc phục vụ sản xuất, phát huy tối đa các công năng sử dụng.
Nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, nông thôn Gia Lai bước đầu có sự khởi sắc. Nhiều nghề mới đã được hình thành như: Đan lá cọ, đan bẹ chuối, đặc biệt nghề trồng nấm đã rất thành công ở huyện Chư Prông, Phú Thiện... Nhiều cây trồng mới đã phát triển tốt ở các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Chư Prông...
Có thể nhận thấy, việc hỗ trợ sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản có nhiều yếu tố thuận lợi và dễ thành công hơn việc hỗ trợ phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp. Việc phát triển ngành nghề yêu cầu phải đầu tư thành tổ hợp và nên có sự đóng góp, tham gia của người khá giỏi làm đầu tàu sản xuất. Đối với các loại cây ăn quả chỉ nên phát triển ở vùng Đông Trường Sơn, những nơi có thung lũng, khe suối dồi dào nguồn nước, ít bị cạnh tranh với cây trồng khác. Đồng thời việc đầu tư các mô hình sản xuất nên kết hợp hài hòa giữa chăn nuôi với trồng trọt và thủy sản; kết hợp cây ngắn ngày và dài ngày. Tâm lý người nghèo nói chung đều ưa trồng các cây ngắn ngày. Tuy vậy, đó chỉ mới đạt 50% mục đích của chương trình. Thực tế đòi hỏi phải xây dựng các mô hình bền vững, hiệu quả để làm hình mẫu cho những người khác noi theo. Một điểm nữa, ngoài cây lương thực, nên đầu tư phát triển cây hàng hóa.
Những năm tới, Nhà nước xem xét thiết kế tiếp các Chương trình 135 giai đoạn III, các chương trình quốc gia giảm nghèo, với nhiều sự hỗ trợ chiều sâu, với mục đích khơi dậy tính chủ động tích cực của người nghèo. Để phát huy tốt đồng vốn hỗ trợ người nghèo, vai trò của người nghèo luôn mang ý nghĩa quyết định.
Phạm Đức Long