(GLO)- Với vai trò hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân tộc thiểu số… và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhân dân, những năm qua, hoạt động của Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu nại, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Xã biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ) cách trung tâm thị trấn Chư Ty 13 km, giáp với tỉnh Nattarakiri (Vương quốc Campuchia) với 1683 hộ, trong đó người Jrai chiếm 46% dân số. Với tình hình chính trị phức tạp, trình độ dân trí còn hạn chế nên xã Ia Dom đã triển khai Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý theo đề án “tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo giai đoạn 2013-2016”. UBND xã Ia Dom đã qua lựa chọn, bồi dưỡng và tổ chức hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn xã nhằm nâng cao công tác PBGDPL.
Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý được đặt tại Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: N.T |
Công tác tuyên truyền PBGDPL được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật vì vậy lựa chọn tuyên truyền viên pháp luật có vai trò hết sức quan trọng nhất là vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Xã Ia Dom đã bồi dưỡng các tuyên truyền viên có khả năng tiếp thu và hiểu biết được nhận thức cơ bản mà các văn bản quy định từ đó làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL. Qua đó sẽ tư vấn cho người dân hiểu khi gặp khó khăn về pháp luật tại Câu lạc bộ hoặc đến từng nhà dân.
Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý có 11 thành viên. Tất cả các thành viên đều hỗ trợ nhau vừa đi tuyên truyền, vừa tư vấn PBGDPL. Các thành viên phối hợp với 34 tuyên truyền viên pháp luật (được lựa chọn từ các chi bộ, thôn trưởng, mặt trận, các ban ngành đoàn thể như: Hội cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân) được phân bổ tại 8 thôn làng để tư vấn kịp thời cho người dân khi gặp khó khăn liên quan đến pháp luật.
Ngoài việc phối hợp với mặt trận, ban ngành, đoàn thể, chính quyền xã đã phối hợp với Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hỗ trợ tư vấn nghiệp vụ, tài liệu và những vấn đề an ninh biên giới Quốc gia cho Câu lạc bộ, xây dựng Câu lạc bộ ngay tại Đội công tác địa bàn để người dân dễ dàng được tư vấn. Các thành viên của Câu lạc bộ được trang bị những hiểu biết cơ bản về pháp luật đáp ứng với yêu cầu của công tác PBGDPL để tuyên truyền các nội dung như: Hiến pháp, luật hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, luật nghĩa vụ quân sự, luật biên giới quốc gia, giao thông, đất đai xử lý vi phạm hành chính- các văn bản quy phạm pháp luật đối với dân tộc tôn giáo.
Các thành viên trong Câu lạc bộ đang tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: N.T |
Trung úy Đỗ Quang Cường-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cho biết: “Khi có vụ việc như tranh chấp đất đai, đánh nhau... người dân thường giải quyết theo lệ làng. Các thành viên trong Câu lạc bộ phối hợp với cán bộ Biên phòng và ban ngành thôn đến tận nhà người dân có vụ việc để hòa giải theo pháp luật, vận động bà con xóa bỏ hủ tục. Đồng thời, phối hợp với UBND xã xây dựng các bản tin ngắn tuyên truyền về luật tổ chức Quốc hội, HĐND, bầu cử; xây dựng đề cương không có ma lai thuốc thư, Quy chế và quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới đất liền... qua đó, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về pháp luật cho người dân, giúp người dân hiểu rõ hơn về pháp luật”.
Qua 3 năm triển khai, xã Ia Dom đã tổ chức 39 đợt với 2962 lượt người, trang bị ba tủ sách pháp luật với gần 500 đầu sách để người dân tham khảo. Câu lạc bộ đã tư vấn 47 lần cho người dân, kết hợp với đội ngũ tuyên truyền viên làm tốt công tác PBGDPL trong cộng đồng dân cư, khắc phục được tình trạng không hiểu biết, không có kiến thức cơ bản về pháp luật. Đặc biệt, đối với việc phân giới cắm mốc, UBND xã đã mở nhiều đợt tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc vấn đề hiệp định biên giới giữa Việt nam và Campuchia, do vậy trong quá trình thực hiện việc phân giới cắm mốc không xảy ra vi phạm nào trên khu vực biên giới. Ông Puih Ơn (làng Ó, xã Ia Dom) cho biết: “Khi có gì không hiểu hoặc gặp khó khăn về pháp luật như tranh chấp đất tôi thường đến Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý xã để được tư vấn. Các cán bộ ở đây tư vấn nhiệt tình giúp tôi hiểu được, tháo gỡ được khó khăn, biết phải làm từng bước như thế nào để giải quyết vấn đề đúng pháp luật”.
Ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cho biết: “Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý ra đời đã nâng cao nhận thức của người dân, giải đáp những vướng mắc pháp luật, góp phần hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và góp phần quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Ngọc Thu